Bảy thập kỷ giữ nghề sửa máy may ở Pleiku

Bảy thập kỷ giữ nghề sửa máy may ở Pleiku
2 giờ trướcBài gốc
Bảy thập kỷ giữ nghề
Tiệm sửa máy may Văn Trình nằm ở đầu con dốc nhỏ (42/2 Lê Lợi, phường Pleiku, tỉnh Gia Lai) nhìn thẳng ra nhà thờ Thăng Thiên vang tiếng chuông ngân sớm chiều. Bước vào bên trong như bước qua cánh cửa thời gian để trở về miền ký ức. Một không gian hẹp, đầy hoài niệm với đầy ắp những món đồ cũ kỹ.
Chiếc ghế dựa người thợ ngồi mài kéo cùng những đồ vật khác bên trong cửa tiệm đều nhuốm màu thời gian. Ảnh: Hoàng Ngọc
Những chiếc ghế gỗ nhỏ tróc sơn, vài viên đá mài lõm gần hết, những thùng đạn cũ dùng đựng linh kiện, đồ nghề. Lặng im nơi góc nhà là những chiếc chân máy, đầu máy may, máy vắt sổ của các thương hiệu danh tiếng, có lịch sử cả trăm năm như: Singer của Mỹ, Mitsubishi của Nhật, Merrow của Mỹ…
Những đồ vật như kể câu chuyện về nghề cũ gắn với một thời may mặc hoàng kim, khi chiếc máy khâu là cả một gia sản và chiếc kéo cắt vải được ví như “bảo bối” của người thợ may.
Anh Nguyễn Văn Hoàng nâng niu chiếc đầu máy hiệu Singer của Pháp được sản xuất hơn 100 năm trước. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ông Nguyễn Văn Trình (1933-2004) là người sáng lập tiệm sửa máy may từ năm 1957. Không chỉ là cửa tiệm đầu tiên của phố núi thời bấy giờ, mà đây cũng là cửa tiệm tồn tại lâu đời nhất giữa lòng đô thị cao nguyên cho tới nay. Anh Nguyễn Văn Hoàng-con trai ông Văn Trình-kể lại: “Cha mẹ tôi là người gốc Bắc vào Pleiku lập nghiệp từ năm 1954 khi đô thị còn khá thưa vắng người. Hẻm nhỏ nơi gia đình ở là một con đường đất đỏ đặc trưng. Khi đô thị bắt đầu xuất hiện những nhà may, cha tôi nhanh nhạy nắm bắt thời cuộc, mở tiệm sửa chữa các loại máy phục vụ nghề này. Nhờ vậy, không chỉ ông nuôi được gia đình đông con mà còn dựng nên một cơ ngơi khang trang giữa xóm nghèo”.
Máy vắt sổ hiệu Merrow của Mỹ cũng được anh Hoàng giữ làm kỷ niệm. Ảnh: Hoàng Ngọc
Vợ chồng ông bà Nguyễn Lực-Trần Thị Thanh-chủ nhà may Đồng Tân (186 Hùng Vương, phường Pleiku) kể rằng: Trong gần nửa thế kỷ làm nghề may, ông bà chỉ chỉ tin cậy một địa chỉ sửa máy duy nhất, đó là tiệm Văn Trình. “Tay nghề ông Trình rất giỏi. Ông ấy rất cẩn thận, tỉ mỉ nên giao máy may cho ông ấy sửa chúng tôi hoàn toàn yên tâm”-bà Thanh nói.
Năm 2020, tiệm may Đồng Tân đóng cửa sau 45 năm hoạt động. Mới đây, chủ nhà may này mang chiếc đầu máy cũ tới tiệm Văn Trình sửa chữa, bảo dưỡng để giữ làm kỷ niệm.
Bà Thanh chậm rãi: “Người sáng lập đã mất, nhưng các con ông tiếp nối nghề cha đều là những người thợ tận tâm, tay nghề chắc chắn. Ngần ấy năm theo nghề may cũng là ngần ấy năm chúng tôi xem tiệm Văn Trình như một phần ký ức của chính mình-không chỉ là chỗ sửa máy, mà còn là nơi lưu giữ hồn vía của một nghề đã cũ, vẫn âm thầm sống trong ký ức và trong mạch chảy phố thị”.
Giữ ký ức phố
Gia đình anh Hoàng có tới 15 người con nhưng chỉ có anh và một người em trai kế nghiệp cha. Anh làm thợ chính từ năm 1986.
Anh Nguyễn Văn Hoàng hiện nối nghề của cha, giữ nghề truyền thống của gia đình. Ảnh: Hoàng Ngọc
Trong hơn 7 thập kỷ tồn tại, nghề cũ cũng trải qua những giai đoạn thăng trầm như đời người. Những chiếc máy cơ dần bị thay thế bằng máy điện tử; nhà may thu hẹp dần trước sự bùng nổ của thời trang công nghiệp. Nghề sửa máy may cũng dần lùi lại giữa mạch đời sôi động của phố thị trong sự chuyển mình, hiện đại hóa.
Thế nhưng với anh Hoàng, nghề sửa máy may không chỉ là kế sinh nhai mà còn là giữ truyền thống, ký ức gia đình. Anh bồi hồi: “Tôi nhớ những năm hoàng kim của nghề, làm ngày không hết cha tôi phải làm đêm. Có những ngày cuối năm, nằm trên căn gác nhỏ tôi vẫn nghe tiếng mài kéo đến tận khuya và hình ảnh cha luôn cẩn trọng trong từng công đoạn nhỏ khi sửa máy”.
Máy may, máy vắt sổ hư hỏng qua tay người thợ lành nghề đều hoạt động trơn tru. Ảnh: Hoàng Ngọc
Giữ ký ức ấy, anh Hoàng như được tiếp nối tinh thần nghiêm túc, tận tụy với nghề. Ngay cả khi lành nghề, anh vẫn không ngừng học học để theo kịp những dòng máy điện tử hiện đại. “Thu nhập giờ chỉ đủ sống chứ không còn là nghề có thể làm giàu, nhưng tôi vẫn tự hào vì giữ được nghề truyền thống của gia đình”-anh trầm trâm nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hồng-em gái anh Hoàng-cũng nâng niu ký ức về cửa tiệm của cha. Chị kể, nhiều bạn trẻ mê phong cách hoài cổ thường tìm đến cửa tiệm để chụp ảnh, review. Nhiều khách lạ tình cờ ngang qua cũng chậm lại nhìn ngắm căn nhà cũ. Với chị, cửa tiệm không chỉ là tài sản riêng của gia đình mà như thắp lên một miền ký ức sống động giữa phố thị.
Tiệm sửa máy may, mài kéo Văn Trình đã tồn tại gần 7 thập kỷ ở phố núi Pleiku. Ảnh: Hoàng Ngọc
Dẫu chậm lại trong mạch đời hối hả, sự tồn tại suốt nhiều thập kỷ của những cửa tiệm như Văn Trình nhắc nhớ rằng một đô thị nếu thiếu vắng người cũ, nghề xưa sẽ mất đi một phần ký ức, mất đi hơi ấm làm nên linh hồn của nó. Di sản của một đô thị sẽ dày lên từ những điều nhỏ bé nhưng cắm rễ sâu vào đời sống của bao lớp thị dân như vậy.
HOÀNG NGỌC
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/bay-thap-ky-giu-nghe-sua-may-may-o-pleiku-post559763.html