Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vừa tiếp nhận một bệnh nhi hơn 4 tuổi, bị liệt dây thần kinh số 7 do lạnh. Theo người nhà, khi phát hiện con bị méo miệng, miệng lệch sang trái, mắt phải nhắm không kín, bố mẹ lập tức đưa trẻ đi khám.
Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên bên phải.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhi bị liệt dây thần kinh số 7. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Sau 10 ngày điều trị bằng các thủ thuật y học cổ truyền, hiện gương mặt bệnh nhi đã cân đối hơn và gần như phục hồi hoàn toàn.
Theo bác sĩ Phạm Anh Hùng, Trưởng Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, tại đây đang điều trị cho 5 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, gồm một người già, hai thanh niên và hai trẻ em.
"Nguyên nhân chủ yếu gây liệt mặt ngoại biên là do lạnh, bởi dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với bề mặt da nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi sẽ co lại gây tổn thương thần kinh số 7 ngoại biên, chỉ mất vài giây khi tiếp xúc với nguồn lạnh đã có thể mắc bệnh"- bác sĩ Hùng nói.
Cũng theo bác sĩ Hùng, liệt dây thần kinh số 7 là bệnh khá phổ biến và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị kịp thời. Việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Để phòng ngừa nguy cơ bị liệt dây thần kinh số 7, chuyên gia khuyến cáo mùa lạnh cần giữ ấm đầu, mặt, cổ; tránh mở cửa đột ngột để gió lạnh tạt vào mặt; không tắm khuya.
Đối với trẻ nhỏ, khi ra ngoài trời, bố mẹ cần mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn. Tránh cho trẻ ngồi nơi gió lùa; đi đường xa phải che ấm hàm, đeo khẩu trang, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe máy.
Nếu có biểu hiện bị liệt dây thần kinh số 7, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị. Không tự điều trị tại nhà hoặc điều trị theo kinh nghiệm dân gian.
D.Thu