Theo thông tin từ BV Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ, vừa qua các bác sĩ nơi đây đã tiếp nhận và điều trị cho bé gái 7 tuổi bị da đầu hoại tử nghiêm trọng.
Khởi phát từ những khối sưng đỏ, đau nhức ở vùng chẩm, các ổ áp xe dần phát triển, tự vỡ mủ, và hoại tử da đầu. Gia đình tự điều trị kháng sinh tại chỗ nhưng không hiệu quả, khiến tình trạng ngày càng nặng thêm.
Ảnh: BVCC
Tại bệnh viện, bệnh nhi được chẩn đoán đa ổ áp xe vùng chẩm do nấm bội nhiễm dẫn đến hoại tử da đầu. Các ổ áp xe có kích thước từ 1cm đến 4x4cm, nhiều ổ đã vỡ mủ và đóng vảy.
Với tình trạng hoại tử da gây khuyết hổng phần mềm kích thước lớn lộ xương không có khả năng khâu trực tiếp, các bác sĩ đã khẩn trương thực hiện phẫu thuật chuyển vạt da để che phủ tổn thương, đảm bảo phục hồi không chỉ về mặt sức khỏe mà còn yếu tố thẩm mỹ, đặc biệt quan trọng với bệnh nhi gái.
Nấm da đầu là bệnh gì?
Nấm da đầu là một bệnh da liễu thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, do các loại nấm men và hại khuẩn tăng hoạt quá mức gây nên. Triệu chứng điển hình của nấm da đầu là ngứa ngáy và bong tróc da đầu…
Nguyên nhân khiến cho nấm da đầu bùng phát thường liên quan đến việc giữ gìn vệ sinh tóc và da đầu kém. Bụi bẩn, bã nhờn và vi khuẩn tích tụ lâu ngày cho vệ sinh kém sẽ dẫn đến nấm da đầu.
Ảnh minh họa
Dấu hiệu nhận biết bệnh nấm da đầu
Da đầu của người bệnh có thể xuất hiện gàu nhiều bất thường do nấm kích thích tuyến dầu nhờn dưới da tiết nhiều bã nhờn. Sau giai đoạn này, da đầu người bệnh xuất hiện cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Việc gãi liên tục, có thể khiến da đầu trầy xước, chảy máu, đóng vảy. Một số người bệnh bị mọc mụn đỏ li ti trên da đầu.
Ở giai đoạn tiếp theo, người bệnh bị rụng tóc nhiều, thường khoảng sau khi nhiễm nấm 20 ngày. Tóc rụng tự nhiên và rụng nhiều khi chải tóc, khi gội đầu. Có người bệnh xuất hiện các mảng hói hình đồng xu với các kích thước khác nhau khiến họ lo lắng.
Nấm da đầu lan xuống mặt là dấu hiệu khi bệnh đã phát triển đến giai đoạn nặng. Lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn hơn và nguy cơ tái phát cao hơn.
Cách phòng ngừa nấm da đầu
Nấm da đầu không chỉ gây ra những triệu chứng vô cùng khó chịu. Căn bệnh da liễu này còn khiến người bệnh thiếu tự tin, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và công việc. Vì vậy, khi đã biết nguyên nhân bị nấm da đầu, mỗi người trong chúng ta nên nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh. Một số việc mà ai cũng nên làm như:
- Gội đầu thường xuyên từ 3 - 4 lần mỗi tuần để giữ da đầu luôn sạch sẽ.
- Không để da đầu ẩm ướt ngủ qua đêm.
- Không nên dùng chung khăn lau đầu, khăn tắm với người bị bệnh nấm da.
- Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi bị nhiễm nấm.
- Tăng cường đề kháng cho cơ thể và làn da bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
M.H (th)