Bé 9 tuổi bị sỏi thận kích thước lớn gây thận ứ nước

Bé 9 tuổi bị sỏi thận kích thước lớn gây thận ứ nước
9 giờ trướcBài gốc
Ngày 16/7, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, đơn vị vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật phức tạp hiếm gặp bằng phương pháp tán sỏi thận qua da đường hầm siêu nhỏ cho một bé gái 9 tuổi đến từ tỉnh Quảng Ngãi.
Theo đó, bé T.N.G.H. (9 tuổi, xã Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nhập viện trong tình trạng đau vùng hông lưng phải.
Qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm hình ảnh, bé được chẩn đoán sỏi khúc nối bể thận - niệu quản phải, kích thước lên tới 20mm, kèm biến chứng thận phải ứ nước độ II.
Sau hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ quyết định lựa chọn phương pháp tán sỏi thận qua da đường hầm siêu nhỏ – một trong những kỹ thuật hiện đại, ít xâm lấn, phù hợp với trẻ em. Đường hầm siêu nhỏ sử dụng trong ca này chỉ 12Fr (khoảng 4mm), giúp lấy sạch sỏi chỉ qua một lần tán, giảm thiểu tổn thương tối đa cho nhu mô thận.
4 ngày sau khi nhập viện, bé H. được phẫu thuật thành công. Bệnh nhi được theo dõi sát sau mổ, phục hồi nhanh, sức khỏe ổn định và xuất viện sau 5 ngày phẫu thuật. Dự kiến, bé H. sẽ được tái khám sau hai tuần để rút ống thông niệu quản.
Vết rạch da rất nhỏ để tạo đường hầm tán sỏi trên bé gái 9 tuổi trú tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh BVCC
Điều đáng chú ý là sỏi thận kích thước lớn ở trẻ nhỏ là một tình trạng rất hiếm gặp. Việc xử trí hiệu quả bằng kỹ thuật tiên tiến như tán sỏi qua da chứng minh năng lực chuyên môn vững vàng, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y bác sĩ tận tâm tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
"Chúng tôi luôn đặt sự an toàn, ít xâm lấn và hiệu quả điều trị lâu dài lên hàng đầu. Việc tán sỏi qua da bằng đường hầm siêu nhỏ hiện là phương pháp tối ưu, giúp trẻ không chỉ hết bệnh mà còn phục hồi nhanh, ít đau, ít biến chứng", bác sĩ Trần Văn Do, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chia sẻ.
Sức khỏe của bệnh nhi H. ổn định hoàn toàn và được xuất viện chỉ sau 5 ngày được phẫu thuật tán sỏi thận qua da đường hầm siêu nhỏ.
Sức khỏe của bệnh nhi H. ổn định hoàn toàn và được xuất viện chỉ sau 5 ngày được phẫu thuật tán sỏi thận qua da đường hầm siêu nhỏ - Ảnh BVCC
Các chuyên gia cho biết, sỏi thận thường xảy ra ở người lớn nhưng trẻ em, thậm chí là trẻ sơ sinh cũng có thể mắc bệnh này. Theo ghi nhận, bệnh sỏi thận ở trẻ em thường xảy ra khi trẻ mắc một số bệnh nền làm tăng nguy cơ hình thành sỏi hoặc trẻ bị sỏi thận không rõ nguyên nhân. Phần lớn trẻ bị sỏi thận đều có thể sớm hồi phục và không gây biến chứng lâu dài.
Sỏi thận được hình thành chủ yếu dựa vào hai yếu tố, môi trường và di truyền. Trong đó, yếu tố môi trường (gồm chế độ dinh dưỡng và lối sống) là nguyên nhân khiến số lượng trẻ bị sỏi thận tăng nhanh trong những năm gần đây. Ngoài ra, một số bệnh lý liên quan đến thận cũng là nguyên nhân gây sỏi thận ở trẻ.
Trẻ bị sỏi thận thường sẽ có các triệu chứng: Đau bụng, lưng, hông hoặc háng; Tiểu lắt nhắt, đau khi đi tiểu; Xuất hiện máu trong nước tiểu, nước tiểu đục; Buồn nôn, nôn; Tiểu gấp; Sốt…
Một số trẻ mắc bệnh có thể sẽ không xuất hiện bất kỳ triệu chứng bệnh nào, nhất là trẻ nhỏ. Đối với các trường hợp này, bệnh chỉ có thể phát hiện thông qua việc thăm khám sức khỏe vì một lý do khác có thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm.
Ngoài ra, khi bị sỏi thận, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng tương tự như triệu chứng của nhiễm trùng bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu như: muốn đi tiểu nhiều hơn, đau bụng dưới, sốt nhẹ, cảm thấy bỏng rát khi đi tiểu…
Mặc dù sỏi thận là một bệnh khá hiếm gặp ở trẻ nhỏ nhưng bố mẹ cũng không nên vì thế mà chủ quan. Theo các chuyên gia, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sỏi thận cho trẻ là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, trẻ đã từng bị sỏi thận sẽ có nguy cơ phát triển thêm những viên sỏi khác dao động trong khoảng 30 – 65%.
Cách phòng ngừa sỏi thận cho trẻ nhỏ
Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày. Để biết lượng nước trẻ cần cung cấp vào cơ thể mỗi ngày, bố mẹ có thể căn cứ vào cách tính nhu cầu nước sau:
Trẻ có cân nặng từ 1 – 10kg: 100ml/kg cân nặng.
Trẻ có cân nặng từ 11 – 20kg: 1.000ml/10kg cân nặng đầu tiên + 50ml/kg cân nặng tăng thêm.
Trẻ có cân nặng từ 21kg trở lên: 1.500ml/20kg cân nặng đầu tiên + 20ml/kg cân nặng tăng thêm.
Riêng đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên lưu ý cho trẻ bú đủ sữa mỗi ngày.
Cân bằng lại chế độ dinh dưỡng của trẻ: lưu ý, chỉ bổ sung cho trẻ đủ lượng canxi, natri, vitamin D, C,… cần thiết.
Tránh cho trẻ ăn thức ăn nhanh và các thực phẩm chứa nhiều gia vị, mặn.
Hạn chế cho trẻ uống nước ngọt có gas.
Tập cho trẻ thói quen đi tiểu, không nhịn tiểu.
Thăm khám sức khỏe định kỳ cho trẻ.
Thúy Nga
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/be-9-tuoi-bi-soi-than-kich-thuoc-lon-gay-than-u-nuoc-post1555041.html