Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Triệu Phong kiểm tra việc sử dụng vốn của nông dân - Ảnh: M.L
Tiếp sức cho các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả
Khu trang trại gà của anh Phạm Ngọc Tâm nằm dọc trục đường sinh thái của xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong. Trên màn hình led to đặt ngay tại nhà điều hành hiển thị toàn bộ khuôn viên trang trại, bao gồm các khu chuồng, hệ thống kho thức ăn, bảng điều khiển tự động, hệ thống máy phát điện...
Anh Tâm cho biết, trang trại được đầu tư theo hệ thống tự động khép kín nên tuy các khu chuồng trại lớn và cách xa nhau nhưng chỉ cần 2-3 lao động làm việc. Trang trại có khu vực khử trùng, có hệ thống quạt làm mát tự động đảm bảo nhiệt độ phù hợp cho các khu chuồng. Hệ thống thức ăn, nước uống cho gà đều điều khiển bằng điện, thức ăn được đổ đầy vào các thùng lớn, mỗi khi gà ăn thì hệ thống tự động chạy cám vào các khay thức ăn, nước đổ vào các ống dẫn nước.
Anh Tâm chia sẻ, quá trình xây dựng trang trại và thả nuôi gà, ngoài vốn tự có của gia đình, anh đã tìm đến Agribank Triệu Phong để vay vốn. Được cán bộ tín dụng tư vấn chính sách vay vốn theo Nghị quyết số 100/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh Quảng Trị, anh đã lập hồ sơ gửi UBND xã và Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện để xin phê duyệt dự án.
Được sự phối hợp thẩm định đồng bộ giữa Agribank Triệu Phong và các ban, ngành liên quan, rất nhanh anh đã được vay số vốn 2 tỉ đồng để đầu tư trang thiết bị máy móc theo chuẩn của Công ty CP. Gia đình chịu chi phí đầu tư trang trại, nuôi gia công, phía Công ty CP cung cấp thức ăn, thuốc, bao tiêu sản phẩm... Mỗi khu chuồng trại đầu tư 1-2 tỉ, bình quân mỗi năm nuôi được 3 - 4 lứa gà, mỗi lứa xuất chuồng 120 - 130 tấn, trừ chi phí thu lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại trồng cam hữu cơ rộng trên 3 ha ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, anh Bùi Quang Huyên cho biết, trước đây gia đình anh có 4 ha trồng rừng nhưng mang lại hiệu quả kinh tế không đáng kể. Sau quá trình trăn trở tìm hướng đi mới, gia đình anh quyết định cải tạo diện tích đất rừng thành mô hình trang trại tổng hợp, trong đó lựa chọn trồng cam Xã Đoài và cam V2 theo mô hình hữu cơ.
Để cam phát triển khỏe mạnh, cho trái to đều và ngọt, ngoài việc thường xuyên cải tạo, bổ sung đất mùn tơi xốp, anh Huyên đã ủ phân chuồng hoai mục để bón cho cây; đồng thời, ngâm ủ cá làm phân bón để tưới cho cây. Nhờ vậy cây cam ra quả nhiều, mọng nước và đặc biệt là hạn chế rụng quả.
Tháng 7/2023, sản phẩm cam hữu cơ của trang trại anh Huyên đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm trồng trọt phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về thực hành nông nghiệp tốt (hữu cơ) theo Quyết định số 3883/QĐ-BKHCN ngày 29/12/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện tại, với trên 1.300 gốc cam, mỗi vụ cho thu hoạch 15-20 tấn quả, trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng 150 - 200 triệu đồng. Ngoài trồng cam hữu cơ, anh Huyên còn mở rộng thêm khu chuồng trại chăn nuôi lợn, trâu, bò, gà... Đời sống kinh tế của gia đình nhờ vậy ngày càng được nâng cao.
Anh Huyên chia sẻ, để có được thành quả như hiện nay, ngoài sự cần cù, chịu khó của hai vợ chồng, sự động viên, tư vấn, hỗ trợ về thủ tục, giống, kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và chính quyền địa phương thì có sự trợ lực hết sức quan trọng từ nguồn vốn tín dụng của Agribank Triệu Phong. Năm 2018 trang trại được xây dựng từ nguồn vốn tự có và vốn vay 300 triệu của Agribank, quá trình triển khai dự án gia đình anh được Agribank nâng hạn mức cho vay đến 2 tỉ đồng, nhờ vậy anh Huyên đã mạnh dạn mở rộng quy mô trang trại.
Góp phần nâng cao chất lượng xây dựng NTM
Xác định nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao là phục vụ tam nông, xem nông nghiệp, nông thôn là thị trường trọng tâm, nông dân là người bạn đồng hành trên chặng đường phát triển, thời gian qua Agribank Chi nhánh huyện Triệu Phong (Agribank Triệu Phong) đã triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng và chương trình MTQG xây dựng NTM.
Quá trình đầu tư tín dụng luôn bám sát các chủ trương, định hướng phát triển KT-XH của tỉnh và huyện, không ngừng cải tiến quy trình, thủ tục tín dụng, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, nâng hạn mức cho vay, thời gian cho vay phù hợp với đặc thù sản xuất nông nghiệp của từng vùng, từng khách hàng, từ đó đã đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn.
Dư nợ cho vay đến 31/10/2024 đạt 1.192 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 96% tổng dư nợ. Ngoài việc cho vay trực tiếp đến các hộ gia đình, cá nhân, Agribank Triệu Phong đã phối kết hợp cùng các hội, đoàn thể triển khai thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP nhằm chuyển tải nguồn vốn tín dụng kịp thời và đầy đủ đến tận người dân một cách hiệu quả nhất, giúp các hộ dân khu vực nông thôn được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank.
Nguồn vốn của Agribank là nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng NTM; tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Giám đốc Agribank Triệu Phong Văn Thị Tuyết Mai cho biết, tại địa bàn huyện Triệu Phong, Agribank luôn quan tâm đầu tư vốn đầy đủ và kịp thời đáp ứng các nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt ưu tiên cả về hạn mức vay, lãi suất, thủ tục cho các dự án phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, những sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao, sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhằm phát huy lợi thế địa phương, ưu tiên các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng tiến bộ KHKT.
Hằng năm, Agribank đã xây dựng phương án cụ thể về đầu tư tín dụng cho từng địa bàn xã, thị trấn, từ đó chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay đối với các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (OCOP).
Từ nguồn vốn của Agribank, nhiều hộ gia đình đã đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành nông, lâm, ngư nghiệp giúp nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán sản xuất. Nguồn vốn cho vay của Agribank đã hỗ trợ, góp phần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như: vùng cây ăn quả, vùng rừng ở các xã vùng gò đồi, vùng trồng lúa năng suất cao...
Bên cạnh đó, Agribank còn thể hiện vai trò tiên phong trong đầu tư và cung ứng dịch vụ thẻ, dịch vụ ATM tại địa bàn nông thôn, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân, thay đổi thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt trong dân cư, góp phần quan trọng vào công tác chuyển đổi số trong xây dựng NTM.
Trong thời gian tới, Agribank Triệu Phong tiếp tục đầu tư nguồn vốn phát triển tam nông, ưu tiên các nguồn lực để cùng địa phương phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Mai Linh