Bé gái 12 tuổi hồi sinh sau 7 năm chờ thận hiến

Bé gái 12 tuổi hồi sinh sau 7 năm chờ thận hiến
4 giờ trướcBài gốc
Chạy đua với thời gian mang quả thận từ Bình Dương ra Hà Nội
Tối ngày 18/12/2024, Bệnh viện Nhi Trung ương đã nhận được thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia về một trường hợp hiến tạng từ bệnh nhân chết não tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã cử một ê-kíp bác sĩ của khoa Ngoại Tiết niệu vào Bình Dương ngay sáng sớm ngày 19/12/2024 để tham gia lấy tạng và tiếp nhận thận được hiến.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện, các bác sĩ Khoa Thận và Lọc máu đã nhanh chóng liên lạc với người nhận phù hợp, thực hiện các xét nghiệm, các thủ tục theo đúng quy trình. Đồng thời, Ban Giám đốc khẩn trương hội chẩn với Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương để thống nhất các nội dung chuẩn bị quy trình lấy thận của người hiến tốt nhất.
Kíp nhân viên y tế vận chuyển thận từ Bình Dương ra Hà Nội.
Không ít lần, kíp phẫu thuật ghép thận của Bệnh viện Nhi Trung ương lên tinh thần chạy đua với thời gian để ghép thận từ người cho chết não. Thế nhưng, mọi thứ vẫn chỉ là trên kế hoạch. Nhưng lần này thì khác.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu cùng ê-kíp tức tốc lên đường. "Đây là ca đầu tiên chúng tôi tiến hành ghép thận từ người cho chết não ở trẻ em, vì thế, chúng tôi tự hứa với nhau với một quyết tâm rất lớn để mang thận về ghép thành công", bác sĩ Dũng kể.
Ra tới sân bay ngược vào TP Hồ Chí Minh, kết quả xét nghiệm máu của người nhận cũng mới kịp được hoàn thiện để mang vào đọ chéo với người hiến tạng.
Người hiến là một bệnh nhân 47 tuổi, đã được chẩn đoán chết não sau nỗ lực điều trị của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.
6 giờ 30 phút sáng 19/12/2024, hai quả thận được lấy cho vào thùng bảo quản tạng. Một thận được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh. Dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện đa khoa Bình Dương, Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, sự hộ tống của cảnh sát giao thông và sự giúp đỡ của hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines, quả thận còn lại với sự tháp tùng của kíp Bệnh viện Nhi Trung ương đã được vận chuyển trong điều kiện bảo quản nghiêm ngặt và nhanh nhất ra Hà Nội.
"30 phút chúng tôi chạy tốc lực từ Bình Dương ra sân bay và được đi lối ưu tiên để kịp lên chuyến bay sớm nhất về Hà Nội. Dù chỉ có 2 tiếng để ngủ, không kịp ăn uống, nhưng chúng tôi đều quyết tâm", bác sĩ Dũng nói.
Các bác sĩ tiến hành ghép thận.
Ngay khi quả thận được đưa lên máy bay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Tiến sĩ, bác sĩ Thiều Tăng Thắng, Phụ trách khoa Gây mê tiến hành những bước đầu tiên gây mê cho bệnh nhi.
Tất cả ê-kíp gây mê, phẫu thuật, các chuyên khoa Ngoại Tiết niệu, Thận và Lọc máu, Gây mê hồi sức, Hồi sức ngoại, Chẩn đoán hình ảnh, Ngân hàng máu, Sinh hóa, Huyết học,… tại bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng phòng mổ, trang thiết bị, thuốc men,… để cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi nhất.
Hơn 2 tiếng sau, thận về tới Bệnh viện Nhi Trung ương và ghép cho em bé....
Kỹ thuật ghép thận từ người cho sống đã trở thành thường quy tại Bệnh viện Nhi Trung ương nhiều năm qua. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện ghép thận từ người cho chết não. Quá trình ghép được diễn ra với các quy trình khắt khe, nghiêm ngặt như các ca ghép thận thông thường.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Dũng chia sẻ về ca ghép.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Dũng trực tiếp tham gia kíp lấy thận và ghép thận cho bệnh nhi chia sẻ, cũng như mọi ca ghép thận khác, ca này không có gì thách thức về mặt phẫu thuật. Các bác sĩ đã tiến hành xử lý các mô mỡ, các tổ chức từng mạch máu và sửa lại mạch của thận hiến, sau đó nối tĩnh mạch thận của người cho vào người nhận.
"Thách thức lớn nhất là do quá trình vận chuyển thận từ xa về, nên chúng tôi phải thực hiện ghép rất khẩn trương, để bảo đảm quả thận được tưới máu sớm nhất có thể. Sau 4 giờ phẫu thuật, ca ghép thận đầy căng thẳng đã diễn ra thành công trong sự vui mừng vỡ òa của cả ê-kíp", bác sĩ Dũng nói.
10 lần thay huyết tương để chống thải ghép
Bé gái may mắn nhận thận hiến lần này bị suy thận mạn giai đoạn cuối và đang được điều trị bằng phương pháp lọc màng bụng 7 năm qua.
Ôm đứa con bé bỏng đã được hồi sinh sau ca ghép thận, anh Lê Tuấn P. tâm sự, trước đó, vào năm 2017, con anh có biểu hiện nôn liên tục. Gia đình đưa con tới Bệnh viện tỉnh Bắc Ninh thì được kết luận suy thận mạn. Bé được đưa lên Bệnh viện Nhi Trung ương và sau 2 tháng, bệnh nhi bước vào một hành trình mới trong cuộc đời - phải lọc màng bụng để duy trì sự sống. Khi ấy con anh mới 5 tuổi.
Anh Lê Tuấn P. chia sẻ về sức khỏe của con gái.
Anh được hướng dẫn lọc màng bụng tại nhà cho con. 7 năm qua, gia đình anh đều đặn cho con tái khám hàng tháng, và chờ đợi có người hiến thận cứu con. Anh được giải thích, phương pháp lọc màng bụng chỉ là phương pháp điều trị thay thế có tính chất tạm thời vì hầu hết trẻ sẽ có các biến chứng về tim mạch, huyết áp và thậm chí gây ra tử vong. Bé nhà anh cũng đã có biến chứng biến dạng xương, chân có hình chữ X và có các biểu hiện lắng đọng canxi.
12 tuổi, nhưng bé gái chỉ nặng vẻn vẹn 20 cân, đôi chân yếu ớt không thể tự đi lại được bình thường vì căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối. Đồng nghĩa với việc, bé không đủ sức để tự đi học, cơ thể còi cọc. "Thi thoảng tôi xin cho con tới lớp, gọi là học dự thính cho con đỡ buồn", anh P. nói.
Gia cảnh khó khăn, lại có 4 người con, anh P. ngập ngừng bảo, chưa bao giờ gia đình nghĩ tới việc hiến thận của mình cho con vì gánh nặng gia đình. Số tiền ghép thận cũng quá lớn so với gia đình anh. Con gái anh được đăng ký vào danh sách chờ ghép tại Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia Việt Nam và cứ thế chờ mòn mỏi 7 năm qua.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hương, Trưởng khoa Thận và Lọc máu chia sẻ về quá trình hồi sức sau ghép.
Năm 2024 có 2 lần được gọi con có cơ hội ghép thận. Nhưng lần đầu tiên, gia đình người chết não không đồng ý hiến tạng, bố mẹ đành ngậm ngùi. Vì thế, trong lần thứ 2 khi được các bác sĩ Nhi thông báo có thận hiến từ miền nam, gia đình bán tín, bán nghi cho tới khi con được lên bàn mổ và các bác sĩ thông báo ca ghép thành công.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hương, Trưởng khoa Thận và Lọc máu cho biết, ngay sau ghép, chức năng thận của bệnh nhi hoạt động ổn định. Các bác sĩ càng có thêm động lực khi lần đầu tiên chinh phục được ca ghép từ người cho chết não tại bệnh viện.
Thế nhưng, tình thế khó khăn bắt đầu ập tới vào khoảng tuần thứ hai sau ghép. "Chúng tôi thấy nước tiểu giảm đi, dịch của ổ bụng tăng lên. Chúng tôi đã tiến hành sinh thiết thận và chẩn đoán có tình trạng thải ghép", bác sĩ Dũng nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Ánh Dương, Trưởng khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa cho biết, sau khi phát hiện tình hình, các bác sĩ đã sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch mạnh và theo dõi vấn đề thải ghép của bệnh nhi sát sao, bảo đảm chức năng thận hoạt động tốt.
"Bé gái được thay toàn bộ huyết tương để hết kháng thế của cả người cho và người nhận. Sau khi lọc huyết tương lần 4 chức năng thận cải thiện, đi tiểu trở lại, bệnh nhi không còn tình trạng suy thận và được chuyển về khoa Thận và Lọc máu để tiếp tục theo dõi, điều trị. Bé đã trải qua 10 lần thay huyết tương để có được hệ thống kháng thể như hôm nay, được xuất viện", bác sĩ Dũng tiết lộ.
Các bác sĩ trải qua nhiều thách thức trong ca ghép thận.
Với sự kết nối của Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều nhà hảo tâm đã cùng chung tay ủng hộ để giúp cháu bé được ghép thận với số tiền hơn 500 triệu đồng. Đây là số tiền vô cùng quý giá để con anh P. có cơ hội được tái sinh một lần nữa, nuôi giấc mơ đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.
Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có rất nhiều các em nhỏ chờ ghép thận. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện cho biết, tập thể y, bác sĩ Bệnh viện sẽ luôn nỗ lực để những quả thận, những phần tạng được hiến có thể về với các em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo an toàn nhất, từ đó, giúp các bệnh nhi thoát khỏi các tình trạng bệnh lý mãn tính nặng nề như bệnh suy thận mạn, suy gan, suy tim.
Bệnh nhi được ra viện chiều 17/1.
THIÊN LAM
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/be-gai-12-tuoi-hoi-sinh-sau-7-nam-cho-than-hien-post856544.html