Câu chuyện được cha mẹ cô bé ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc chia sẻ trong một video đăng ngày 8/2 trên một nền tảng mạng xã hội lớn. Xem video, có thể thấy một hình nộm mặc áo khoác cotton màu vàng, đội mũ, ngồi thẳng trên ghế bên bàn học, trông như một cô bé đang miệt mài học tập; trong khi cô con gái chơi đùa gần đó.
Khi bị bố mẹ "vạch trần", cô con gái vẫn bướng bỉnh nói: “Con cũng ở đây học mà”, khiến những người thân xung quanh không nhịn được cười. Người mẹ cho biết trong bài đăng: “Tôi yêu cầu con gái học và làm bài tập về nhà, và con bé đặt một cái hình nộm giả vờ ở đó. Tôi thậm chí còn gọi bố mẹ và cả nhà đến xem, ai có thể thông minh hơn đứa trẻ gây rối này chứ?”.
Con gái làm hình nộm bằng quần áo để lừa mẹ rằng đang ngồi học. (Ảnh: 163.com)
Người mẹ chia sẻ với truyền thông rằng con gái cô rất năng động và hướng ngoại, vì vậy khi thấy bé im lặng bất thường sau một thời gian học bài, cô liền cảm thấy có điều gì "sai sai".
“Sau khi con gái học một lúc mà không gây tiếng động nào, tôi cảm thấy điều gì đó không ổn. Tôi lặng lẽ đi vào phòng con bé, nghĩ rằng con đã ngủ bên bàn học, nhưng khi đến gần để đánh thức thì tôi nhận ra đó là hình nộm. Lúc đó tôi vừa tức giận vừa buồn cười, chỉ biết câm lặng,” người mẹ kể, cho biết cô không la mắng cô bé mà bắt viết một bài luận để phạt.
Ở Trung Quốc, áp lực và tính cạnh tranh gay gắt xung quanh kỳ thi tuyển sinh đại học khiến giáo viên giao quá nhiều bài tập về nhà. Để được chơi trong chốc lát, nhiều đứa trẻ nghịch ngợm nghĩ cách nói dối cha mẹ.
Cả gia đình đều rất thích thú với trò gian lận của cô bé. (Ảnh: 163.com)
Khi câu chuyện này lan truyền, nhiều cư dân mạng Trung Quốc bật cười vì cô bé lắm chiêu: “Đây phải chăng là kỹ thuật xuất hiện ở hai nơi cùng một lúc?"; “Đứa trẻ này nên được gửi đến quân đội để huấn luyện cách tàng hình và ngụy trang”; “Cô bé thông minh này khi lớn lên chắc sẽ rất sáng tạo và không phải là người chịu đựng”; “Giá như cô bé có thể dành nhiều năng lượng như vậy cho việc học của mình”; "Hình thức phạt để uốn nắn con của người mẹ rất hợp lý"....
Nhiều cư dân mạng cũng thảo luận về áp lực học tập của trẻ em Trung Quốc, khiến bọn trẻ có quá ít thời gian chơi.
Nhật Thùy (Nguồn: SCMP)