Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, hộ gia đình có ca bệnh tử vong là bé gái 11 tuổi sống trên một quả đồi biệt lập, cách xa các hộ gia đình khác. Gia đình gồm 8 người, hiện chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Tổng số trường hợp tiếp xúc gần bước đầu được xác định 19 người. Hiện nay, chưa xác định được nguồn lây của ca bệnh.
Ngay sau khi có ca tử vong vì bạch hầu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương về việc chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.
Vi khuẩn bạch hầu có thể sống trong đất và ký sinh ở cơ thể của người hoặc súc vật.
Cục Y tế dự phòng đề nghị địa phương khẩn trương tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu để giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh.
Tổ chức điều tra, theo dõi chặt chẽ và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần...
Năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) mới đạt 38%, xã Thạch Lâm đạt 37,5%; tiêm vaccine DPT cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 43,6%...
Cục Y tế dự phòng đề nghị địa phương cần rà soát các trường hợp chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu, tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, ưu tiên trước hết tại ổ dịch, các khu vực lân cận và tại các địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Các cơ sở y tế cần đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị; hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo…
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các đơn vị rà soát, đảm bảo hậu cần về vaccine, thuốc kháng sinh điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất…
Từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam ghi nhận 9 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó 2 ca tử vong. Trước đó, vào năm 2023, cả nước có 57 trường hợp mắc và 7 trường hợp tử vong.
Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, các ca bạch hầu vẫn ghi nhận rải rác nhưng là các ổ dịch nhỏ, trong tầm kiểm soát. Nguy cơ lây nhiễm thành dịch lớn, diện rộng là thấp. Các ổ dịch chủ yếu xảy ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện cung cấp vaccine tiêm chủng mở rộng còn khó khăn nên tạo vùng lõm tiêm chủng.
Trần Hằng