Tổ chức hệ thống chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp
Chiều 12/4, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất rất cao với các chủ trương lớn, mang tính cải cách sâu rộng, đặc biệt trong tổ chức chính quyền địa phương.
Theo đó, hệ thống chính quyền sẽ được tổ chức lại theo mô hình hai cấp gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố), chấm dứt cấp huyện sau khi Quốc hội sửa đổi Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập sẽ còn 34, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Với cấp xã, dự kiến sau sáp nhập sẽ giảm 60 - 70% số lượng hiện hành, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Theo mô hình mới, cấp tỉnh sẽ vừa thực hiện chủ trương của Trung ương, vừa ban hành chính sách trên địa bàn và chỉ đạo trực tiếp cấp xã. Trong khi đó, cấp xã được trao thêm thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chủ động tổ chức thi hành và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Song hành với tái cấu trúc bộ máy hành chính, Trung ương cũng thống nhất chủ trương xây dựng lại tổ chức Đảng theo mô hình tương ứng – chỉ còn tổ chức Đảng ở cấp tỉnh và cấp xã, chấm dứt hoạt động của các đảng bộ cấp huyện. Việc sắp xếp này sẽ tuân thủ Điều lệ Đảng và các quy định của Trung ương, đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong toàn hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Đáng chú ý, hội nghị lần này cũng đi đến thống nhất cao về chủ trương sáp nhập, tinh gọn các cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng từ cấp Trung ương đến cấp xã.
Mục tiêu là tổ chức lại bộ máy theo hướng gần dân, sát dân, chú trọng thực hành dân làm gốc, thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng đến từng hộ gia đình. Các tổ chức này phải bảo đảm không trùng lặp chức năng, không hành chính hóa hoạt động, chăm lo thiết thực quyền và lợi ích của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Tiếp tục tinh gọn bộ máy các cơ quan tư pháp
Một trong những nội dung quan trọng khác được bàn thảo và thống nhất tại Hội nghị Trung ương 11 là chủ trương tiếp tục tinh gọn bộ máy các cơ quan tư pháp. Theo đó, hệ thống Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân sẽ tổ chức lại thành 3 cấp: Tối cao, cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và cấp khu vực.
Các Tòa án và Viện Kiểm sát cấp cao và cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động. Mô hình quân sự vẫn giữ nguyên. Đây là bước đi nhằm tinh giản đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp, đồng thời phục vụ yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, chuyên nghiệp.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Để tạo hành lang pháp lý cho các cải cách lớn, Trung ương thống nhất nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và hệ thống pháp luật liên quan đến chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Các sửa đổi phải hoàn tất trước ngày 30/6 và có hiệu lực từ 1/7. Trung ương cũng yêu cầu xây dựng quy định về thời gian chuyển tiếp để đảm bảo không gián đoạn hoạt động trong quá trình sáp nhập, tổ chức lại bộ máy.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tư duy và cách làm, tháo gỡ triệt để những rào cản về thể chế ngay trong năm 2025 để tạo nền tảng phát triển. Việc ban hành chính sách, pháp luật phải sát với thực tiễn, kịp thời, không để xảy ra tình trạng “chờ luật, chờ cơ chế”, gây lỡ nhịp phát triển.
Bên cạnh cải cách hành chính, Trung ương cũng nhất trí chủ trương sáp nhập, tinh gọn các tổ chức công đoàn, cụ thể là kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang, giảm mức đóng góp công đoàn phí. Đây là bước đi nhằm bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả trong chăm lo, bảo vệ người lao động, tránh hình thức, chồng chéo.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư cũng quán triệt yêu cầu đảm bảo bộ máy sau sắp xếp phải thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tạo đà phát triển kinh tế – nhất là khuyến khích kinh tế tư nhân, khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt, phải nhận diện, phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng việc sắp xếp để trục lợi, gây chia rẽ nội bộ, chạy chức chạy quyền.
Theo Tổng Bí thư, đây là quyết sách chiến lược chưa từng có tiền lệ, được xây dựng với tinh thần khoa học, đột phá, bám sát thực tiễn, hướng tới tầm nhìn ít nhất 100 năm. Mục tiêu cuối cùng là phát triển nhanh, ổn định, bền vững đất nước và phục vụ tốt hơn đời sống Nhân dân, xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.
Với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên địa bàn.
Cấp xã chủ yếu là thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp tỉnh ban hành; được tăng cường phân cấp, phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản qui phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình.
Minh Trang