Mới đây, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế được tổ chức trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn cho biết, tỉnh Quảng Ninh sẽ trình Bộ Chính trị, Chính phủ về chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Đồn.
Vân Đồn – “kho báu” đầy tiềm năng về du lịch đang dần được khai phá. Ảnh: iViVu
“Trước mắt, tỉnh mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương triển khai Khu du lịch phức hợp cao cấp của Khu Kinh tế Vân Đồn, đây là dự án đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Đối với dự án này, nếu được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất sẽ đóng góp vào tăng trưởng cho năm 2025 và những năm tiếp theo", ông Ấn bày tỏ.
Đây là cam kết cho thấy Quảng Ninh uôn kiên định với quan điểm, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, từng bước trở thành trung tâm du lịch quốc tế và là một động lực quan trọng để du lịch Vân Đồn "cất cánh" góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Theo đó, năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 4,5 triệu lượt, doanh thu từ lĩnh vực du lịch đạt 55.000 tỷ đồng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của tỉnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay Vân Đồn vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng của kinh tế đêm để tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn như khu phố đêm, show diễn nghệ thuật hay chợ đêm đặc sắc…, góp phần biến nơi đây thành điểm đến "không ngủ" hấp dẫn du khách quốc tế. Theo chuyên gia, cần có cơ chế, chính sách rõ ràng để khai thác “mỏ vàng” kinh tế đêm tại đây trong thời gian tới.
Trước đó, vào năm 2024, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Vân Đồn đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.
Theo đó, định hướng phát triển Vân Đồn trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là đô thị đồng bộ về hạ tầng, xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với bảo tồn địa hình, cảnh quan, bản sắc riêng, khai thác tốt, hiệu quả lợi thế riêng biệt về vị trí địa lý, môi trường tự nhiên.
Các khu vực phát triển đô thị đã được cụ thể hóa trong Điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, phê duyệt tại Quyết định 266/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Khu kinh tế Vân Đồn được chia không gian phát triển thành 2 vùng (đảo Cái Bầu, quần đảo Vân Hải).
Bãi Dài (Vân Đồn) gây ấn tượng mạnh mẽ bởi vẻ đẹp hoang sơ, màu nước biển xanh biếc, bên bờ biển. Ảnh: iViVU
Đối với đảo Cái Bầu, tập trung phát triển các khu chức năng chính của đô thị và khu kinh tế. Đảo Cái Bầu phân chia thành vùng phía Đông (khu vực Cái Rồng), vùng phía Tây (khu vực sân bay Vân Đồn) và vùng phía Bắc (cảng Mũi Chùa - Vạn Hoa).
Còn quần đảo Vân Hải phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với bảo tồn cảnh quan sinh thái, đa dạng sinh học tại khu vực. Giới hạn phát triển dân cư ở một số đảo hiện có (Cảnh Cước, Trà Bản, Ngọc Vừng, cống Đông – cống Tây).
Về lộ trình phát triển, khu vực phát triển đô thị giai đoạn đến năm 2025, hoàn chỉnh, xây dựng và cải tạo chỉnh trang khu đô thị hiện hữu, xây dựng những dự án du lịch, khu đô thị mới, khu dân cư, tái định cư. Đầu tư kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị khu vực thị trấn Cái Rồng và xã Đông Xá, Hạ Long phấn đấu hoàn thành tiêu chuẩn thành lập phường.
Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng khung, tạo động lực phát triển đô thị. Từng bước nâng cao chất lượng đô thị nhằm hoàn thiện tiêu chuẩn đô thị loại 3 đến năm 2025.
Thủy Tiên