Một bé trai N.A.T (sinh năm 2014), học sinh lớp 6, Trường THCS và THPT Bắc Cường, trú tại tổ 29, phường Cam Đường, Lào Cai vừa tử vong sau hơn một giờ cấp cứu tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai.
Bé nghi bị mèo cào dẫn đến nhiễm virus gây bệnh dại. Ban đầu, vết cào tưởng chừng không nghiêm trọng nhưng chỉ vài tuần sau, ngày 3/7, N.A.T bắt đầu có các biểu hiện bất thường như khó thở, đau tức ngực, sợ nước, sợ gió. Tình trạng sau đó nhanh chóng chuyển biến xấu khi các triệu chứng gia tăng về mức độ, kèm theo biểu hiện hoảng loạn, kêu khó thở, cảm giác như bị côn trùng cắn, sợ lạnh, mất ngủ, nói nhảm, sợ tiếng ồn và ánh sáng.
Sáng 4/7, gia đình đưa N.A.T đến khám và điều trị tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Lào Cai. Bác sĩ chẩn đoán đau ngực chưa rõ nguyên nhân, chưa loại trừ bệnh dại. Sáng 5/7, gia đình xin cho bệnh nhân về nhà, bệnh nhân tử vong cùng ngày.
Ngày 6/7, đại diện Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai cho biết gia đình và các hộ xung quanh nhà bệnh nhân có nuôi chó, mèo nhưng không rõ bé có bị chó hay mèo cào trong thời gian gần đây không. Bé cũng chưa tiêm vắc xin phòng dại. Các vật nuôi trong vùng không có bất thường.
Mèo cào cũng có thể làm lây truyền bệnh dại sang người gây tử vong/Ảnh minh họa Internet
Đây là lời cảnh báo nghiêm túc cho mọi gia đình nuôi chó mèo. Virus dại không chỉ xuất hiện ở chó mà mèo cũng có thể mang virus dại, lây sang người qua vết cào hoặc liếm vết thương hở. Bệnh dại gần như luôn gây tử vong nếu không được tiêm vắc xin kịp thời sau phơi nhiễm.
Gia đình nuôi thú cưng cần lưu ý, tiêm phòng dại đầy đủ cho chó, mèo theo đúng lịch của bác sĩ thú y. Không để trẻ em chơi đùa quá gần, trêu chọc chó mèo, nhất là khi chúng đang ăn, ngủ, hoặc nuôi con. Nếu bị chó mèo cắn hoặc cào, phải rửa kỹ vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy ít nhất 15 phút, sát trùng và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng. Tuyệt đối không chủ quan dù vết thương nhỏ hay không chảy máu, vì virus dại vẫn có thể xâm nhập qua da trầy xước.
Bình Nguyên