Bé trai 13 tuổi bị nhồi máu não

Bé trai 13 tuổi bị nhồi máu não
12 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa - nguồn internet
Trước đó, em hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh lý nền. Tuy nhiên, trong gia đình có hai người từng bị nhồi máu não, đây là yếu tố nguy cơ quan trọng được các bác sĩ lưu ý.
Theo lời người nhà, các triệu chứng xuất hiện đột ngột khiến gia đình lập tức đưa trẻ đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để thăm khám. Tại đây, sau khi được tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính mạch máu não, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị nhồi máu não vùng bán cầu trái.
BSCKII Vương Thị Hào – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết: “Nhiều người vẫn nghĩ nhồi máu não là bệnh của người già, người mắc bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường… Tuy nhiên, bệnh lý mạch máu não hiện đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt nguy hiểm khi xuất hiện ở trẻ em.”
Cảnh báo của các bác sĩ về căn bệnh nhồi máu não.
Nguyên nhân gây nhồi máu não ở trẻ em thường phức tạp và khác biệt so với người lớn. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm: Bệnh lý tim mạch bẩm sinh hoặc mắc phải như: thông liên nhĩ, thông liên thất, bệnh van tim, viêm nội tâm mạc, rối loạn nhịp tim. Bệnh lý mạch máu: dị dạng mạch máu não, viêm mạch máu, bóc tách động mạch, bệnh lý di truyền. Rối loạn đông máu. Nhiễm trùng thần kinh: viêm não, viêm màng não. Các bệnh chuyển hóa hoặc chấn thương vùng đầu cổ gây tổn thương mạch máu.
Các bác sĩ nhấn mạnh, việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là yếu tố then chốt quyết định khả năng hồi phục của bệnh nhi. Thời gian chính là “vàng” trong xử trí nhồi máu não, đặc biệt trong giai đoạn cấp.
Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý những dấu hiệu cảnh báo sau ở trẻ: Đột ngột nói ngọng, nói khó hoặc mất khả năng nói. Méo miệng, cười lệch, sụp mí mắt. Yếu hoặc liệt một bên tay chân, đi đứng loạng choạng. Thay đổi ý thức: ngủ gà, lơ mơ, khó đánh thức, hôn mê. Co giật.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi trẻ xuất hiện bất kỳ dấu hiệu thần kinh bất thường nào, đặc biệt là triệu chứng đột ngột liên quan đến vận động, ngôn ngữ hoặc ý thức, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời. Việc chẩn đoán và can thiệp trong những giờ đầu tiên có thể cứu sống và giảm thiểu di chứng nghiêm trọng cho trẻ.
Trúc Quyên
Nguồn BVPL : https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/y-te/be-trai-13-tuoi-bi-nhoi-mau-nao-181039.html