Mới đây, các bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, cho biết đã tiếp nhận bé trai 13 tuổi (huyện Bình Gia) trong tình trạng mệt mỏi, ăn uống kém, sốt cao liên tục. Trước đó khoảng hai tháng, em bị chó cắn nhưng gia đình chỉ cho uống thuốc nam mà không đưa đi tiêm phòng, cũng không theo dõi con chó đã gây ra vết cắn.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp độ 3 và theo dõi bệnh dại. Dù được thở máy, truyền kháng sinh, dùng thuốc vận mạch… tình trạng bé vẫn không cải thiện. Trước diễn tiến bệnh nặng và tiên lượng xấu, gia đình đã xin ngừng điều trị.
Bệnh dại thường gia tăng trong mùa nắng nóng. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, thời điểm từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là giai đoạn nguy cơ cao về bệnh dại ở động vật, đặc biệt là chó mèo nuôi trong gia đình. Thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho virus dại phát triển mạnh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan, không tiêm phòng sau khi bị chó mèo cắn, cũng như không theo dõi tình trạng sức khỏe của vật nuôi. Trong khi đó, thời gian ủ bệnh dại có thể kéo dài từ vài ngày đến nhiều tháng, thậm chí cả năm.
Để phòng ngừa bệnh dại, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó mèo, nhắc lại định kỳ mỗi 12 tháng. Khi bị chó mèo hoặc động vật cắn, cần rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng trong ít nhất 15 phút, sát khuẩn bằng cồn hoặc dung dịch i-ốt, sau đó đến ngay cơ sở y tế để tiêm phòng trong vòng 24 giờ đầu.
Dại là bệnh do virus lây truyền từ động vật sang người, thường ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện, người mắc bệnh dại gần như 100% không qua khỏi.
Thông thường thời gian ủ bệnh dại ở người là 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.
Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Sau đó, rửa vết thương bằng cồn 70% hoặc cồn iod, không băng kín vết thương. Đưa người bị cắn đến ngay cơ sở y tế.
Không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị bệnh dại.
Hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.
Trường hợp không may bị chó mèo cắn, cần chú ý như sau:
- Cần rửa kỹ vết thương trong vòng 15 phút với nước và xà phòng hoặc nước sạch.
- Sau đó sát khuẩn bằng cồn 45°-70° hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
- Sau đó đến ngay cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng dại, ngay cả đối với vết cắn, vết cào nhẹ. Tiêm vắc-xin sớm để hình thành kháng thể bảo vệ cơ thể, tốt nhất, tiêm trong vòng 24 giờ sau khi bị cắn.
Trúc Chi (t/h Znews, VTC News)