Trước đó, trưa 29/10, TTYT Điện Bàn nhận được thông tin có 1 trường hợp bệnh dại tại khối Thanh Quýt 4, phường Điện Thắng Trung nên đã phối hợp với Trạm Y tế Điện Thắng Trung tiến hành giám sát ca bệnh dại trên địa bàn. Ca bệnh dại được xác định là cháu Nguyễn Hữu Th (SN 2017, trú khối Thanh Quýt 4, phường Điện Thắng Trung).
Người dân cần nâng cao cảnh giác trước bệnh dại do chó, mèo cắn (Ảnh minh họa).
Theo lời kể của người nhà và nhà trường, bệnh nhân đi học tại Trường Tiểu học Lê Tự Nhất Thống (khối Thanh Quýt 3, phường Điện Thắng Trung), bị chó hoang vào trường cắn ở cẳng tay trái vào khoảng 14h ngày 13/9. Tình trạng chó kích thích, chạy rông ngoài đường và mất tích sau đó không tìm thấy. Sáng cùng ngày, con chó này có cắn anh Lê Tự T (SN 1997), nhà gần trường và anh đã tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại ngay.
Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân Th được cô giáo trong trường rửa vết thương bằng xà phòng và nước muối sau đó tư vấn cho người nhà bệnh nhân đưa đi tiêm chủng để phòng bệnh. Tuy nhiên, người nhà không dẫn cháu Th đi tiêm mà đưa đi cào ở một thầy lang tại Đà Nẵng.
Đến ngày 10/10, cháu Th có các triệu chứng sốt, sốt kèm theo buồn nôn, nôn sau ăn nhiều lần, sau đó được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam điều trị. Tại bệnh viện, bệnh nhân có sốt, nôn, kèm theo sưng nề lưỡi, rối loạn hành vi trẻ cắn lưỡi bên trái.
Ngày 11/10, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, mệt, sợ ánh sáng và được chẩn đoán theo dõi bệnh dại, sau đó được chuyển ra Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng. Tại đây bệnh nhân có triệu chứng bệnh dại và được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 vào ngày 11/10, kết quả âm tính ngày 16/10.
Ngày 22/10, bệnh nhân được lấy mẫu lần 2, cho kết quả nghi ngờ. Đến sáng 26/10 bệnh nhân được lấy mẫu lần 3 cho kết quả dương tính. Đến trưa 26/10 bệnh nhân được chở về nhà và tử vong tại nhà.
Trước diễn biến bệnh dại trên địa bàn thị xã diễn biến phức tạp, TTYT Điện Bàn đề nghị Trung tâm Kỹ thuật - Nông nghiệp thị xã Điện Bàn tăng cường công tác tiêm vaccine phòng dại cho số lượng đàn chó, mèo trên địa bàn các xã, phường; Trạm Y tế các xã, phường phối hợp với UBND phường tuyên truyền cho người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm cho người và động vật để người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân, cộng đồng.
Khi người bị phơi nhiễm tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam và các phương thuốc dân gian, gia truyền. Khi có trường hợp nghi ngờ bệnh dại trên người cần báo ngay với cơ quan thú y để phối hợp theo dõi, giám sát và phòng, chống bệnh dại trên động vật theo quy định hiện hành của ngành Thú y.
Ngọc Thi