Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết bé Đ.T.N., 7 tuổi, nhập viện trong tình trạng bứt rứt, khó chịu, đau bụng và ói.
Qua khai thác bệnh sử, người nhà trẻ cho biết khoảng 4 giờ trước khi nhập viện, trẻ vô tình nuốt phải 4 viên nam châm. Khi đến viện, bé vẫn đau bụng không ngừng, vẻ mặt hốt hoảng.
Tuy nhiên, từ kết quả chụp X-quang bụng, bác sĩ không phát hiện dị vật ở ruột non. Các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tiếp tục phối hợp với bác sĩ ngoại khoa nội soi đường tiêu hóa cấp cứu và nội soi ổ bụng cho bé.
Dị vật là 4 viên nam châm được lấy ra khỏi ruột của bệnh nhi. Ảnh: BVCC.
Trẻ được cho nằm ngửa, gây mê nội khí quản nội soi tiêu hóa từ thực quản - dạ dày đến tá tràng, bác sĩ vẫn không thấy dị vật.
Không bỏ cuộc, các bác sĩ quyết định nội soi ổ bụng, quan sát thấy ổ bụng sạch, hồi tràng (phần giữa của ruột non) có dị vật hình lập phương. Các đoạn ruột còn lại không ghi nhận dị vật.
Do không thể đẩy dị vật lên dạ dày hay xuống đại tràng được, các bác sĩ quyết định mở rộng lỗ trocar (vết mổ nhỏ để đưa dụng cụ phẫu thuật vào hay còn gọi là cổng vào) rốn, đưa đoạn ruột chứa dị vật ra ngoài qua lỗ trocar rốn. Ê-kíp tiếp tục xẻ hồi tràng, thấy dị vật là 4 viên nam châm nên lấy ra ngoài.
Sau đó, bác sĩ khâu ruột xẻ bằng chỉ và đưa vào lại ổ bụng, đóng cân trocar rốn, khâu da. Sau khi nội soi phẫu thuật lấy dị vật, trẻ hết đau bụng, hết ói, tỉnh táo, được tiếp tục theo dõi tổn thương niêm mạc ruột cũng như chức năng đường tiêu hóa.
Bác sĩ Tiến cho biết may mắn là trẻ biết nuốt phải dị vật, thông báo sớm cho gia đình và được đưa đến bệnh viện kịp thời. Nếu để lâu, các cục nam châm sẽ gây tổn thương niêm mạc ruột, thủng ruột của trẻ. Các cục nam châm “hít nhau”, gây vặn xoắn các quai ruột, gây tắc ruột… nguy hiểm cho tính mạng trẻ.
Nguyễn Thuận