Nhiểu trẻ ngừng tim, rối loạn ý thức vì uống oresol đậm đặc
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian gần đây Khoa Cấp cứu và Chống độc đã tiếp nhận nhiều trẻ vào cấp cứu do tiêu chảy cấp, điển hình là bé trai 9 tháng tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng mất nước nặng, li bì và rối loạn ý thức.
Trước đó, trẻ được chẩn đoán mắc tiêu chảy cấp và được chỉ định điều trị tại nhà. Tuy nhiên, gia đình đã pha oresol không đúng tỷ lệ (chỉ sử dụng nửa gói oresol với 70ml nước thay vì pha thuốc với 200ml nước đun sôi để nguội như hướng dẫn).
Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị mất nước nặng do tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng do tăng natri máu (hàm lượng muối trong máu tăng cao). Ngay lập tức trẻ được các bác sĩ điều trị bù dịch và điều chỉnh rối loạn điện giải, hiện sau hơn 1 tuần điều trị theo phác đồ, sức khỏe của bé đã ổn định và được ra viện.
Không được may mắn như bé trai trên, trước đó một trường hợp bệnh nhi 15 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc được gia đình đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc cấp cứu khi đã ngừng tim. Gia đình cho biết, sau bữa ăn sáng trẻ bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, cách 30 phút lại đi 1 lần. Lo lắng trẻ bị mất nước, người nhà đã cho con uống oresol để bù nước. Sau khi uống, trẻ đã có những triệu chứng co giật, gia đình mới hoảng loạn đưa trẻ vào viện.
Mặc dù trẻ đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc tận tình cứu chữa, nhưng não của trẻ đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể hồi phục được.
Bác sĩ đang khám cho trẻ tại BV Nhi Trung ương
BSCKII. Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tiêu chảy cấp là tình trạng đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/ngày. Đây là bệnh lý rất hay gặp ở trẻ em và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển. Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp thường do virus như Rotavirus, Enterovirus, Norovirus, Adenovirus,… Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như: vi khuẩn, ký sinh trùng, vệ sinh kém, ăn các thức ăn thức ăn không đảm bảo, do dùng thuốc hoặc dị ứng,…
Triệu chứng nổi bật của bệnh là tình trạng mất nước, mỗi trẻ có các dấu hiệu khác nhau như: khát nước, nôn, đi ngoài, môi khô, mắt trũng, sụt cân, tùy theo các mức độ. Trong tình trạng nặng có thể gây rối loạn điện giải, sốc giảm thể tích, nhiễm khuẩn,…thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong.
Cũng theo BSCKII. Nguyễn Tân Hùng, oresol là thuốc giúp bù nước và điện giải hiệu quả cho cả người lớn và trẻ em, được khuyến cáo dùng trong những trường hợp trẻ bị mất nước và chất điện giải do tiêu chảy, sốt cao,…Tuy nhiên, hiệu quả của oresol chỉ đạt được khi pha đúng liều lượng. Sai lầm trong việc pha thuốc, như pha quá đặc hoặc quá loãng, có thể gây rối loạn điện giải, thậm chí dẫn đến tổn thương não, tử vong ở trẻ nhỏ.
Cách pha oresol đúng cách cho trẻ
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, cha mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc sau khi sử dụng oresol:
Đọc kĩ hướng dẫn cách pha oresol trên bao bì, tuyệt đối tuân thủ theo liều lượng quy định… Ví dụ, một gói oresol theo hướng dẫn pha với 200ml thì cần pha chính xác 200ml nước, không ước lượng hoặc đong bằng các dụng cụ đo lường không chính xác.
Cho trẻ uống oresol từng thìa nhỏ (với trẻ nhỏ) hoặc từng ngụm (với trẻ lớn).
Chỉ sử dụng dung dịch trong vòng 24 giờ sau khi pha.
Phòng ngừa tiêu chảy cấp ở trẻ như thế nào?
Để phòng ngừa tiêu chảy cấp cho trẻ em, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điều sau:
Cho trẻ bú mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu sau sinh.
Luôn cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, không kiêng khem quá mức.
Rửa tay cho trẻ và người chăm sóc bằng xà phòng trước ăn và sau khi đi vệ sinh.
Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, sử dụng nguồn nước sạch, không phóng uế bừa bãi, rác thải để đúng nơi quy định.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ.
Cho trẻ uống một số vắc xin như rotavirus, tả.
Dấu hiệu nặng cần đưa trẻ bị tiêu chảy đến bệnh viện
Đối với trẻ em không phải trường hợp tiêu chảy nào cũng phải nhập viện, với trẻ ở mức độ nhẹ, gia đình hoàn toàn có thể chăm sóc trẻ tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tuy nhiên, khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời:
Trẻ sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt
Trẻ nôn và đi ngoài nhiều lần trong ngày
Trẻ có biểu hiện khát nước, ăn uống kém, bỏ bú, quấy khóc
Phân có máu
Bụng chướng
Trương Minh Châu