Bé trai ngừng tim do đuối nước được cứu sống nhờ kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy

Bé trai ngừng tim do đuối nước được cứu sống nhờ kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy
10 giờ trướcBài gốc
Kiểm tra sức khỏe bệnh nhi trong quá trình điều trị
Đó là bệnh nhi N.T.T. M. 2 tuổi, ở xã Lộc An (gồm các xã Lộc Hòa, Lộc Điền, Lộc An cũ), TP. Huế.
Trước đó, ngày 6/7, bé M. bị ngã vào hồ cá Koi trong sân nhà. Khi gia đình phát hiện, bé rơi vào tình trạng hôn mê, tím tái, ngưng thở, không phản ứng. Người nhà lập tức hồi sức tim phổi (CPR) tại chỗ trong vòng 2 phút. May mắn, bé có cử động trở lại, thở rên yếu và được đưa đến trạm y tế xã, sau đó chuyển vào BVTW Huế cấp cứu.
Thời điểm nhập viện, trẻ hôn mê sâu, chỉ số đo độ bão hòa ô xy trong máu ngoại vi (SpO₂) chỉ còn 80% dù đã thở ô xy, ran ẩm nặng hai phổi, tiên lượng nặng. Các bác sĩ nhanh chóng triển khai điều trị hồi sức tích cực: Đặt nội khí quản, thở máy, sử dụng kháng sinh, vận mạch và đặc biệt là áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.
Sau 5 ngày, bé được cai máy thở, đến ngày thứ 7 được chuyển ra khỏi phòng hồi sức. Tiếp đó, bé tỉnh táo, đi lại và ăn uống bình thường, không để lại di chứng thần kinh rõ rệt - một kết quả ngoài mong đợi.
Hạ thân nhiệt chỉ huy là kỹ thuật điều trị tiên tiến, được sử dụng để giảm nhiệt độ cơ thể có kiểm soát (khoảng 33-34°C) trong 24-72 giờ nhằm: Giảm nhu cầu chuyển hóa của não bộ, ổn định màng tế bào, hạn chế phù não và tổn thương thứ phát do thiếu ô xy, ngăn chặn phản ứng viêm lan rộng, bảo vệ chức năng thần kinh lâu dài.
Trẻ cùng gia đình và các y bác sĩ trước khi xuất viện
Trong trường hợp trẻ bị ngạt nước và ngưng tim, dù được cứu sống nhưng nguy cơ di chứng thần kinh rất cao, như: Co giật, hôn mê kéo dài, chậm phát triển tâm thần vận động. Hạ thân nhiệt chỉ huy giúp tăng khả năng phục hồi não, giảm nguy cơ tàn tật và tử vong muộn.
Chỉ tính riêng từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, Khoa Hồi sức Tích cực - Cấp cứu, Trung tâm Nhi, BVTW Huế đã tiếp nhận 10 trẻ bị đuối nước nặng. Tất cả được cứu sống, tuy nhiên đa phần phải đối mặt với di chứng thần kinh nặng nề, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và chất lượng sống.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em từ 1 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước - tương đương hơn 5 trẻ/ngày. Phần lớn tai nạn xảy ra tại gia đình hoặc khu vực xung quanh: Ao hồ, giếng nước, sông suối, thậm chí là hồ cá, bồn nước, bể bơi trong nhà. Đặc biệt, trẻ có thể đuối nước chỉ trong 20 - 30 giây, không hề vùng vẫy hoặc kêu cứu như người lớn vẫn hình dung.
Khi trẻ bị đuối nước, hãy đưa trẻ đến nơi an toàn, gọi người hỗ trợ nếu cần, đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Kiểm tra phản ứng và hơi thở, nếu trẻ không thở, phải tiến hành hồi sức tim phổi (CPR), không dốc ngược người, vỗ lưng, cố ép nôn nước - dễ làm trẻ ngưng tim trở lại. Nếu trẻ thở yếu hoặc hôn mê thì đặt nằm nghiêng an toàn, giữ ấm, theo dõi sát và đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.
HƯƠNG GIANG
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/be-trai-ngung-tim-do-duoi-nuoc-duoc-cuu-song-nho-ky-thuat-ha-than-nhiet-chi-huy-155912.html