Trẻ gặp họa do tò mò, "nghịch dại"
Ngày 10/5, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa qua, các bác sĩ Trung tâm Nhi khoa của bệnh viện đã xử trí và cấp cứu thành công một trường hợp hi hữu do tai nạn trong sinh hoạt.
Cụ thể, bệnh nhi là bé trai 5 tuổi (ở Thường Tín, Hà Nội). Theo lời kể người nhà, trước khi vào viện khoảng 3 tiếng, trẻ cùng hai anh (8 tuổi và 11 tuổi) chơi, xem tivi với nhau trong một phòng riêng. Theo hình ảnh camera ghi lại, khi vào phòng riêng, cháu cầm theo một sợi dây dài khoảng 80cm.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC.
Khi gia đình phát hiện, trẻ trong tình trạng dây rút quần quấn xung quanh cổ và treo mình trên dây mắc màn giăng ngang phòng. Lúc đó, trẻ có dấu hiệu tím tái, khó thở. Gia đình có thổi ngạt, ép tim tại chỗ trong 5 phút, sau đó, trẻ tự thở trở lại, môi hồng, nhưng lơ mơ không tỉnh nên gia đình đưa con vào BVĐK Nông nghiệp cấp cứu.
Tại BVĐK Nông nghiệp, bệnh nhi lơ mơ và kích thích, nghi ngờ tổn thương não do "treo cổ" dù kết quả chụp chiếu sọ não, cột sống cổ bệnh nhi chưa có dấu hiệu bất thường. Các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Bạch Mai để theo dõi, đánh giá thêm tình hình.
Thời điểm tiếp nhận ở Trung tâm Nhi khoa, bệnh nhi hôn mê, bóp bóng qua nội khí quản, xuất huyết dạng chấm rải rác vùng đầu mặt và có vết lằn đường kính 0,5cm dài 25 cm ở vùng cổ trước.
Bệnh nhi nhanh chóng được cấp cứu và điều trị bằng phương pháp kỹ thuật cao "hạ thân nhiệt chỉ huy" (chủ động). Phương pháp này nhằm bảo vệ thần kinh, giảm thiểu các tổn thương não, các biến chứng tuần hoàn, hô hấp và tăng khả năng sống sót của người bệnh.
Sau 5 ngày nằm viện, bệnh nhi đã tỉnh táo hoàn toàn. Kết quả chụp tim, phổi, MRI sọ não, cột sống cổ không thấy bất thường.
Trường hợp này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ gặp tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 6 tuổi - độ tuổi hiếu động và tò mò nhưng chưa nhận biết được các mối nguy hiểm.
Ngay vài ngày trước, một bé trai 2 tuổi (ở TP.HCM) đã được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cấp cứu trong tình trạng bỏng toàn bộ khoang miệng do uống nhầm bột thông cống.
Theo lời người nhà, mẹ bé để bột thông cống trong kệ tủ, bé tưởng đồ ăn nên mở ra lấy cho vào miệng. Khi được phát hiện, do hoảng quá, người mẹ đã lấy nước cho con uống sau đó đưa con đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, trẻ sốt, bỏng toàn bộ khoang miệng, không thể ăn uống và có dấu hiệu nhiễm trùng với các chỉ số viêm tăng cao. Bệnh nhi được nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng để đánh giá tổn thương. Kết quả cho thấy bé bị bỏng thực quản độ 2.
Hay trước đó không lâu, khi đang chơi đồ chơi, bé gái 4 tuổi (ở Hà Nội) đã vô tình nuốt phải pin cúc áo. Tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, các bác sĩ nhận thấy, thực quản chu vi xung quanh pin đã loét hết, phía trên và phía dưới dị vật đều phù nề chít hẹp hết đường ra cũng như đường xuống dạ dày. Điều đáng nói, viên pin to, mắc ở thực quản khiến các nỗ lực gắp pin ra đều gặp khó khăn. May mắn, sau 3 giờ nỗ lực, ê kíp đã thành công lấy được viên pin ra khỏi cơ thể trẻ.
Các biện pháp phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ
Theo các bác sĩ, trẻ nhỏ là đối tượng dễ có nguy cơ gặp các tai nạn thương tích như: Nuốt phải dị vật, ngã chấn thương, điện giật, đuối nước, uống nhầm hóa chất, gặp nạn với các vật dụng sắt nhọn…, nhất là trong bối cảnh dịp nghỉ hè sắp đến.
Trẻ nhỏ hiếu động, dễ gặp tai nạn thương tích, nhất là trong dịp nghỉ hè (tranh minh họa).
Vì vậy, để bảo vệ trẻ tránh những tai nạn đáng tiếc, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu ý một số biện pháp cụ thể sau:
Phòng chống đuối nước: Đảm bảo ao, hố chứa nước, cống thoát nước trong khu vực xung quanh nhà phải có hàng rào chắc chắn ngăn trẻ tiếp cận. Bể chứa nước hoặc các đồ dùng chứa nước khác phải có nắp đậy an toàn; người lớn cần quan tâm dạy cho trẻ tập bơi sớm.
Phòng chống ngộ độc: Các hóa chất như xăng, dầu hỏa, thuốc trừ sâu, các chất diệt côn trùng, chất tẩy rửa và bột giặt để trong kho hoặc tủ có khóa để trẻ không tiếp cận được.
Phòng chống ngã: Cửa sổ phải có chấn song để trẻ không chui qua được, làm cửa chắn ở đầu và cuối cầu thang khi có trẻ dưới 6 tuổi. Cầu thang phải có lan can chắc chắn với chấn song đảm bảo trẻ không chui qua được hoặc trèo lên.
Phòng chống thương tích do các vật sắc nhọn: Sắp xếp gọn gàng các vật sắc nhọn, dụng cụ lao động phải để ngoài tầm với của trẻ hoặc kho có khóa để không gây thương tích cho trẻ; bịt các góc nhọn ở cạnh bàn khi nhà có trẻ nhỏ.
Phòng chống tai nạn với dây: Hạn chế hoặc loại bỏ các vật dụng có dây trong tầm với của trẻ nhỏ. Không để trẻ chơi với dây rút quần áo, dây túi xách, dây rèm cửa, dây sạc điện thoại, dây tai nghe; tránh mặc quần áo có dây rút dài, đặc biệt là ở vùng cổ áo hoặc mũ trùm đầu; dạy trẻ không được quấn dây quanh cổ, không leo trèo với dây, không đùa nghịch khi có dây gần người.
Phòng chống bỏng, điện giật: Dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc phải có vỏ bọc chắc chắn, đảm bảo an toàn; đèn, bật lửa, đồ đựng thức ăn nóng, phích nước nóng cần sắp xếp để ở ngoài tầm với của trẻ.
Phòng chống bị động vật cắn, đốt: Nên phát quang xung quanh nhà, vật nuôi trong nhà phải được nuôi giữ đảm bảo an toàn cho trẻ và phải được tiêm phòng theo đúng quy định.
Ngoài các biện pháp trên, bố mẹ cần tìm hiểu các kỹ năng sơ cứu cơ bản để xử lý kịp thời nếu có tai nạn xảy ra, đặc biệt là kỹ thuật hồi sức tim phổi cho trẻ nhỏ.
Nguyễn Mai