Theo đó, khoảng 14 giờ ngày 13/9, cháu Th. đi học tại Trường Tiểu học Lê Tự Nhất Thống (phường Điện Thắng Trung) thì bị chó hoang vào trường cắn ở cẳng tay.
Sau khi bị chó cắn, cháu Th. được cô giáo trong trường rửa vết thương bằng xà phòng và nước muối. Sau đó, nhà trường đã báo tin với mẹ bệnh nhân và tư vấn đi tiêm chủng để phòng bệnh.
Ngày 10/10, cháu Th. có các triệu chứng sốt, kèm theo buồn nôn, nôn sau ăn nhiều lần và được nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, sau đó chuyển ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
Khoảng 11 giờ ngày 26/10, cháu N.H.Th đã tử vong. Kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút bệnh dại.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại
Được biết, ngay sau khi cháu Th. bị chó cắn, người nhà không đưa cháu Th. đi tiêm phòng dại mà đưa đến thầy lang tên Vui, ở chợ Lệ Trạch, TP Đà Nẵng để chữa trị nên đã xảy ra sự việc đau lòng trên.
Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Quảng Nam xuất hiện 12 ổ dịch dại tại 5 địa phương, gồm Hội An, Điện Bàn, Đông Giang, Hiệp Đức, Quế Sơn. Số người bị chó, mèo cắn phải đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng tăng đột biến trong 9 tháng đầu năm 2024, với 5.760 người (tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023). Có 13 người dương tính với vi rút dại, 2 người đã tử vong.
Cho tới nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người nhiễm vi rút dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì gần như 100% là tử vong. Do đó, người dân không nên nghe theo những lời đồn không có căn cứ, những phương thuốc không có cơ sở khoa học, chưa được Bộ Y tế công nhận, chưa có cơ sở khoa học để khẳng định hiệu quả chữa bệnh của các biện pháp này.
Đặc biệt, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Khi không may bị chó, mèo hoặc động vật hoang dã cắn/cào, cần phải rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị động vật cào/cắn.
Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 45-70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
Tiếp theo, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới giúp ngăn ngừa không bị bệnh dại. Vắc xin phòng bệnh dại hiện nay thuộc nhóm vắc xin bất hoạt, nghĩa là vi rút chứa trong vắc xin hoàn toàn không có khả năng gây bệnh, vì thế đây là một loại vắc xin an toàn cho tất cả mọi người.
Hải Nam