Becamex IDC mong cổ đông đồng hành, kỳ vọng thành tập đoàn chục tỷ USD

Becamex IDC mong cổ đông đồng hành, kỳ vọng thành tập đoàn chục tỷ USD
6 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh ĐHĐCĐ Becamex IDC sáng 15/5.
Ngày 15/5, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, mã: BCM) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, trình bày loạt kế hoạch trọng điểm về tài chính, đầu tư và chiến lược phát triển dài hạn.
Tại đại hội, Becamex IDC (BCM) trình cổ đông kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm 2025 đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 29% so với kết quả thực hiện năm 2024. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 2.470 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%. Về chính sách cổ tức, BCM dự kiến chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 11%, bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. Năm 2025, tỷ lệ cổ tức dự kiến là 10%.
Trường hợp trả cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu, công ty sẽ phát hành gần 114 triệu cổ phiếu mới, tương đương 11% số lượng cổ phần đang lưu hành, không bị hạn chế chuyển nhượng. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của BCM sẽ tăng thêm gần 1.139 tỷ đồng, lên mức 11.489 tỷ đồng. Nếu lựa chọn phương án chi trả bằng tiền mặt, HĐQT sẽ thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày tổ chức Đại hội cổ đông thường niên.
Lên kế hoạch chào bán 150 triệu cổ phiếu, kỳ vọng huy động 20.000 tỷ đồng
Tại đại hội, Tổng Giám đốc BCM Phạm Ngọc Thuận cho biết nhu cầu vốn cho các dự án trọng điểm được giao là rất lớn, trong khi nguồn lực tài chính hiện tại vẫn còn hạn chế. Với vốn điều lệ mới chỉ ở mức 10.350 tỷ đồng và giới hạn vay tối đa 15% cho mỗi dự án theo quy định, công ty đang phải tính toán giải pháp tăng vốn hiệu quả.
Theo kế hoạch, BCM sẽ phát hành 150 triệu cổ phiếu mới trong giai đoạn một thông qua đấu giá công khai, với giá khởi điểm không dưới 50.000 đồng/cổ phiếu - mức tối thiểu nhằm phản ánh đúng giá trị thương hiệu. Nếu đấu giá thành công, doanh nghiệp dự kiến thu về ít nhất 7.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, kỳ vọng của BCM là mức giá thực tế sẽ cao hơn, giúp nâng tổng số vốn huy động có thể đạt khoảng 20.000 tỷ đồng - tạo nguồn lực mạnh mẽ để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược trong giai đoạn mới.
Tuy vậy, ông Thuận cho rằng số vốn này vẫn chỉ là "một phần rất nhỏ" so với nhu cầu thực tế. Trong giai đoạn 2025 - 2030, Becamex IDC đặt mục tiêu triển khai 5 - 6 dự án khu công nghiệp và đô thị quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. "Muốn phát triển lớn và bền vững, chúng ta phải có nội lực tài chính mạnh. Đây là bước đi quyết định để tạo thế chủ động trong giai đoạn mới," lãnh đạo Becamex chia sẻ với cổ đông.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc liệu công ty có đảm bảo về việc phát hành thành công hay không? Ông Phạm Ngọc Thuận cho biết đây là bước điều chỉnh từ kế hoạch ban đầu phát hành 300 triệu cổ phiếu ra công chúng. Trước đó, kế hoạch lớn hơn đã phải tạm hoãn do ảnh hưởng của thông tin bất lợi liên quan đến thuế quan từ Mỹ, khiến giá cổ phiếu BCM giảm sâu. Để bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh pha loãng cổ phiếu ở vùng giá không thuận lợi, công ty quyết định chia nhỏ quy mô phát hành, triển khai trước 150 triệu cổ phiếu nhằm linh hoạt hơn và giảm áp lực cho thị trường.
Chúng tôi sẽ tổ chức các buổi gặp gỡ trực tiếp với nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước nhằm tạo sự đồng thuận, minh bạch thông tin và tăng khả năng phân phối thành công.
Bên cạnh đó, BCM cũng đang xây dựng chiến lược huy động vốn dài hạn bằng cách mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn lớn và các đối tác tư nhân. Nhu cầu vốn là rất lớn. Muốn làm được những dự án quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng, chúng ta phải cùng bắt tay, cùng tháo gỡ, cùng chia sẻ nguồn lực.
Tổng Giám đốc Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận
Chủ tịch HĐQT Becamex IDC Nguyễn Văn Hùng cũng chia sẻ, kế hoạch phát hành cổ phiếu quy mô lớn của Becamex IDC buộc phải tạm hoãn do thị trường biến động, giá cổ phiếu không đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, với mặt bằng giá đã ổn định trở lại, BCM dự kiến sẽ nối lại kế hoạch huy động vốn, nhưng với quy mô nhỏ hơn, phù hợp bối cảnh mới. Mục tiêu vẫn là giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước, mở rộng dư địa phát triển và thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Trước đó, Becamex IDC từng lên kế hoạch đấu giá công khai 300 triệu cổ phiếu BCM tại HoSE vào ngày 28/4/2025, với giá khởi điểm 69.600 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng thu về tối thiểu 20.880 tỷ đồng.
Toàn bộ quá trình đăng ký và bỏ phiếu dự thầu được tổ chức từ ngày 25/2 đến 25/4/2025 tại các đại lý đấu giá được công bố theo quy chế của HoSE. Nếu thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 10.350 tỷ lên 13.350 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do thị trường biến động và để bảo vệ lợi ích cổ đông, kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu đã được tạm hoãn và sẽ không diễn ra như dự kiến.
Trong trường hợp thị trường tiếp tục khó khăn, doanh nghiệp sẽ kiến nghị Chính phủ gia hạn thời gian thực hiện huy động vốn đến năm 2030, tạo dư địa linh hoạt để tận dụng cơ hội đầu tư tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Hùng cho biết, Becamex sẽ đẩy mạnh hợp tác công – tư, bắt tay với các doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân và các tập đoàn lớn để triển khai các dự án chiến lược, nhất là tại khu vực liên kết TP HCM.
Trước những thách thức từ thuế quan, tiêu chuẩn môi trường và bất ổn toàn cầu, Chủ tịch BCM nhìn nhận đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc, thích nghi và bứt phá, giống như cách Trung Quốc từng vượt qua thời kỳ chuyển đổi khó khăn.
Ông bày tỏ kỳ vọng, với sự đồng hành của cổ đông và đối tác, Becamex có thể vươn lên trở thành tập đoàn có giá trị hàng chục tỷ USD, đóng góp quan trọng cho không chỉ Bình Dương mà cả TP HCM. "Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ cho giai đoạn đặc biệt này. Mong cổ đông vững tin và cùng đồng hành," ông Hùng nói với cổ đông.
Đón cơ hội từ chủ trương sáp nhập Bình Dương vào TP HCM
Song song với mục tiêu tăng trưởng tài chính, BCM cũng đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư trọng điểm trong năm 2025. Dự kiến, công ty sẽ khởi công hai khu công nghiệp lớn tại Bình Dương gồm: KCN Bàu Bàng mở rộng giai đoạn 2 với quy mô 380 ha và KCN Cây Trường diện tích 700 ha, nhằm gia tăng quỹ đất sẵn sàng cho thuê.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về tiến độ và kế hoạch cho thuê tại KCN Bàu Bàng, Cây Trường, ông Phạm Ngọc Thuận cho biết, hiện công ty đang triển khai mô hình khu công nghiệp chuyên ngành tích hợp đổi mới sáng tạo và công nghệ cao tại hai khu công nghiệp trọng điểm là Bàu Bàng và Cây Trường. Đây là mô hình thế hệ mới, khác biệt với các khu công nghiệp truyền thống, được thiết kế để thu hút các nhà đầu tư có hàm lượng chất xám cao và giá trị gia tăng lớn.
"Chúng tôi đã dành hơn 10 năm để chuẩn bị nền tảng cho hệ sinh thái này, bao gồm các trung tâm đào tạo, đổi mới sáng tạo, logistics và nhiều hạ tầng hỗ trợ khác. Mô hình đã được vận hành hiệu quả tại Bình Dương và hiện đang được mở rộng ra các địa phương khác," ông Thuận chia sẻ.
Bên cạnh đó, ở lĩnh vực bất động sản dân cư, Becamex IDC sở hữu danh mục dự án lớn tại các vị trí đắc địa, liền kề những khu đô thị và thương mại trọng điểm. Các dự án này đều đã hoàn thiện pháp lý và đang trong quá trình thương mại hóa. Kế hoạch chuyển nhượng sẽ được công bố theo từng giai đoạn, đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất cho cổ đông.
Trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội, BCM đang triển khai dự án khu 6 Việt Sing với quy mô 1.867 căn, dự kiến bàn giao vào năm 2027. Đồng thời, doanh nghiệp cũng được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư thêm 5 dự án nhà ở xã hội khác, tổng quy mô hơn 8.600 căn, dự kiến khởi công từ năm 2025.
Đối với hạ tầng giao thông, đầu tháng 2/2025, liên danh do BCM tham gia góp 49% vốn điều lệ đã khởi công tuyến cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư hơn 8.833 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Cùng với đó, BCM đang đề xuất thực hiện đoạn đường vành đai 4 đi qua địa phận tỉnh Bình Dương (dự kiến mở thầu trong quý 2/2025), đồng thời nghiên cứu phương án đầu tư tuyến vành đai 3 kết nối TP HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tại đại hội, Chủ tịch Nguyễn Văn Hùng nhận định, bối cảnh hiện nay đang chứng kiến những chuyển động mang tính bước ngoặt, đặc biệt là chủ trương sáp nhập một số địa phương, trong đó có đề xuất sát nhập Bình Dương vào TP HCM.
"Dù đây là một thách thức không nhỏ, nhưng cũng đồng thời mở ra những cơ hội phát triển đột phá nếu doanh nghiệp biết nắm bắt và thích ứng," ông Hùng chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT Becamex IDC Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: BCM
Theo Chủ tịch BCM, để chuẩn bị cho cục diện mới, công ty cần khẩn trương khắc phục những tồn tại và chủ động xây dựng nền tảng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. "Chúng tôi đang bước vào một giai đoạn đầy thách thức, với khối lượng công việc lớn và nhiều nhiệm vụ mang tính chiến lược," ông nói.
Trong đó, năm 2025, BCM sẽ tập trung nghiên cứu và khai thác các cơ hội phát triển tại TP HCM và Bình Dương - hai địa bàn được xác định là "hạt nhân" trong chiến lược tăng trưởng kinh tế hai con số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dù TP HCM đang gặp nhiều thách thức trong vai trò trung tâm vùng, BCM tin rằng mô hình đô thị tích hợp sẽ mở rộng không gian phát triển cho cả doanh nghiệp lẫn cộng đồng cư dân.
Thu Trang
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/becamex-idc-mong-co-dong-dong-hanh-ky-vong-thanh-tap-doan-chuc-ty-usd-41537.html