Viện đủ lý do
Từ ngày 1/10, Phòng CSGT (Công an thành phố Hà Nội) triển khai cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn. Các đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho các em học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển...
Trước đó, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông có nhiều diễn biến phức tạp, gây nên những vụ tai nạn giao thông thương tâm.
Tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) lập chốt xử lý vi phạm tại khu vực cổng trường Phổ thông Cao đẳng FPT (đường Trịnh Văn Bô, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm).
Ngày 17/12, tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) lập chốt xử lý vi phạm tại khu vực cổng trường Phổ thông Cao đẳng FPT (đường Trịnh Văn Bô, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm).
Sau ít phút, lực lượng CSGT phát hiện 7 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông. Các lỗi chủ yếu là điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm...
Trình bày với CSGT, em V.Đ.Q. (SN 2007) cho biết, do buổi sáng em đến trường vội nên quên không đội mũ bảo hiểm.
Em N.T.H. (SN 2007) phân trần, hằng ngày em đi xe 50 phân khối nhưng vì hôm nay phải đi thi sớm nên lấy xe máy của bố mẹ để đến trường.
Với các trường hợp vi phạm, tổ công tác tiến hành xác minh cụ thể lớp học, trường... để làm thông báo gửi về nhà trường. Đồng thời, lập biên làm việc để xác minh người giao xe cho các em điều khiển khi chưa đủ tuổi.
Tại ca công tác, một số phụ huynh khi biết con mình vi phạm lỗi lái xe khi chưa đủ tuổi đã vội đến "tác động", xin CSGT bỏ qua vi phạm nhưng đều bị từ chối.
Song song với việc xử lý tại cổng trường, tổ công tác bố trí cán bộ, chiến sĩ ghi hình bí mật các trường hợp học sinh vi phạm rồi làm việc với nhà trường.
Chuyển biến về nhận thức
Tại buổi kiểm tra và làm việc, Thiếu tá Hoàng Văn Bình - Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 đã cung cấp hình ảnh học sinh vi phạm cho nhà trường rà soát, có biện pháp nhắc nhở, xử lý.
"Qua quá trình xử lý thực tế và ghi hình bí mật, chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp học sinh vi phạm giao thông. Việc xử lý triệt để vi phạm cần phải có sự phối hợp của phụ huynh, nhà trường" - Thiếu tá Hoàng Văn Bình thông tin.
Bà Phùng Kim Anh - Trưởng Phòng Quản lý sinh viên hệ phổ thông (trường Phổ thông Cao đẳng FPT) cho biết, từ đầu năm học, nhà trường đã cho phụ huynh và học sinh ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, nhà trường thường xuyên nhắc nhở học sinh chấp hành luật nhưng vẫn có em cố tình vi phạm.
"Khi nhận được hình ảnh do cơ quan công an cung cấp, nhà trường sẽ xác minh và nhắc nhở, giáo dục các em" - bà Phùng Kim Anh cho biết.
Theo bà Phùng Kim Anh, do đặc điểm của trường có nhiều hệ gồm học sinh phổ thông, sinh viên cao đẳng... nên việc căn cứ vào hình ảnh để xác minh học sinh cũng gặp khó khăn.
Theo số liệu tổng hợp của Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), từ ngày 15/11 đến ngày 14/12, lực lượng CSGT toàn Thành phố đã xử lý 2.220 trường hợp học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền (ước tính) 1,228 tỷ đồng, tạm giữ 1.027 phương tiện. So với liền kề, số trường hợp vi phạm giảm 3.745 t/h = 65,7%.
Chỉ ít phút ra quân, 7 học sinh đã bị lập biên bản xử lý vi phạm.
Qua phân tích, các hành vi vi phạm phổ biển vẫn là vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm là 1.863 trường hợp, chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe máy là 569 trường hợp, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông 15 trường hợp... Cảnh sát đã xác minh, xử lý với 225 trường hợp là phụ huynh, chủ phương tiện giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển.
Phòng CSGT cho biết, việc kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ được thực hiện triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục trong suốt năm học, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của phụ huynh và học sinh.
Đối với những trường hợp học sinh vi phạm, đơn vị sẽ gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp.
Phạm Công