Nghề trồng bông, dệt vải còn đâu?
Chúng tôi đến bản Kéo vào một ngày cuối thu nắng vàng ươm. Bản Kéo là 1 trong 16 bản của xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, nơi tập trung sinh sống của người Khơ Mú. Đây cũng là nơi có nhiều nghệ nhân đang tâm huyết với việc bảo tồn và lưu giữ trang phục truyền thống.
Trong ngôi nhà sàn ngập nắng, bà Quàng Thị Hương, nghệ nhân nổi tiếng ở bản Kéo đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng cho bộ trang phục truyền thống của đứa cháu nội. Ngồi bên cạnh bà Hương, cô con dâu tuổi ngoài đôi mươi cũng đang học cách dệt vải.
Bà Quàng Thị Hương đang miệt mài may trang phục truyền thống.
Vừa thoăt thoắt đường kim, mũi chỉ, bà Quàng Thị Hương vừa kể, những năm về trước người Khơ Mú luôn tự hào về nghề trồng bông dệt vải. Nghe các ông bà kể lại, trước đây, nhà nào cũng trồng bông trên khắp các triền núi, bông bung nở trắng xóa cả một vùng trời. Vào mùa thu hoạch, người Khơ Mú náo nức lên nương rẫy thu hái bông, phơi bông cho khô để những lúc nông nhàn mang ra dệt vải may áo. Những năm xa xưa ấy, nhà nhà đều có khung dệt vải.
Bà Quàng Thị Hương kể tiếp: "Để hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống Khơ Mú cần phải trải qua nhiều công đoạn: thu hoạch bông, tác hạt khỏi bông, sau đó bật bông, cuộn bông thành những cuộn nhỏ, kéo sợi. Tiếp theo là hồ vải bằng cháo để cho sợi vải cứng, bền. Hồ vải xong mang đi phơi nắng, cho khô ráo rồi mới mang lên khung cửi để dệt thành khổ dài, ngắn, rộng, hẹp tùy theo mục đích sử dụng. Từ miếng vải, người Khơ Mú sẽ may thành trang phục".
Đặc biệt trang phục người Khơ Mú rất chú trọng đến các họa tiết, hoa văn trên áo, váy. Vì thế ngoài may vá, chị em phụ nữ Khơ Mú còn phải nắm vững kỹ thuật thêu thùa. Trên bộ trang phục truyền thống của người Khơ Mú không thể thiếu hình mặt trăng, mặt trời, con sâu, con kiến, quả bầu, quả bí… Những họa tiết này không chỉ làm đẹp cho trang phục mà còn phản ánh văn hóa, tín ngưỡng của người Khơ Mú.
Bà Quàng Thị Hương miệt mài may trang phục truyền thống.
Kỳ công là thế, nhưng bà con Khơ Mú vẫn miệt mài với việc thêu thùa khâu vá, tự tay làm ra những bộ trang phục cho gia đình và truyền dạy nghề cho con cháu. Các em bé gái Khơ Mú từ lúc 6-7 tuổi đã theo mẹ lên nương để trồng bông, được mẹ dạy cho những công đoạn đầu tiên của nghề dệt vải. Cứ như thế đến tuổi đôi mươi, các thiếu nữ đã thành thạo kỹ thuật may vá, thêu thùa để tự may những bộ trang phục cho riêng mình.
Nhưng đấy là chuyện kể của những năm về trước, theo bà Quàng Thị Hương, độ 30- 40 năm trở lại đây, nghề trồng bông đã bị mai một, rất ít phụ nữ biết về nghề dệt vải hay nắm được toàn bộ kỹ thuật dệt, nhuộm, may trang phục trong tất cả các công đoạn cũng không còn mấy.
Bà Quàng Thị Hương nặng lòng với nghề trồng bông, dệt vải đã bị mai một.
Đặc biệt, không chỉ nghề trồng bông dệt vải bị mai một, người Khơ Mú còn đang đứng trước sự giao thoa văn hóa. Cuộc sống hiện đại cũng như sự tiện dụng đã khiến nhiều thanh niên Khơ Mú hiện nay lựa chọn trang phục hiện đại thay cho trang phục truyền thống. Việc phải di chuyển nhiều như lên nương, trồng trọt, đặc biệt là khi di chuyển bằng xe máy, trang phục hiện đại phù hợp, dễ mua và dễ sử dụng hơn.
Thêm vào đó, thanh niên Khơ Mú cũng muốn bắt kịp những xu hướng mới mẻ, hiện đại trong trang phục. Đó là lý do mà ngày nay không nhiều người Khơ Mú không lựa chọn trang phục truyền thống trong sinh hoạt thường ngày. Trang phục truyền thống chủ yếu được sử dụng trong các địp đặc biệt như ngày đầu năm mới, lễ hội hoặc trong các đám cưới hỏi.
Những khung vải bên nếp nhà sàn
Vừa chỉ dạy cho con dâu cách dệt vải trên khung, bà Quàng Thị Hương vừa tâm sự thêm, mặc dù áo quần áo hiện đại hợp thời trang và nghề trồng bông dệt vải bị lãng quên nhưng bà và nhiều chị em Khơ Mú vẫn quyết tâm tự tay may trang phục cho gia đình và truyền dạy nghề cho con cháu.
Bà Hương kể, tranh thủ lúc nông nhàn, bà vẫn miệt mài bên khung vải. Không có bông bà mua chỉ về dệt. Bà dệt vải để may quần áo cho con cho cháu như một cách thức để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bà Quàng Thị Hương tự tay may trang phục truyền thống cho cháu gái.
Không chỉ miệt mài may trang phục truyền thống cho cả gia đình, bà còn cố gắng truyền dạy kỹ thuật cắt may, kỹ thuật thêu hoa văn cho con gái, con dâu. Chị Mòng Thị Thởi, con dâu bà Quàng Thị Hương cho biết, sau mỗi buổi đồng áng lại về ngồi bên khung vải, cặm cụi học cách dệt vải, học cách thêu họa tiết, hoa văn trên áo.
“Lớp trẻ chúng em bây giờ còn rất ít người biết nghề trồng bông, dệt vải. Em mong muốn chính quyền địa phương sẽ quan tâm, mở các lớp dạy truyền dạy kỹ thuật may vá thêu thùa để chúng em nối tiếp các bà các mẹ gìn giữ trang phục truyền thống", chị Mòng Thị Thởi tâm sự.
Chị Mòng Thị Thởi tâm sự, lúc mới đầu học dệt vải thấy khó, nhưng khi quen tay lại thấy rất yêu công việc này.
Trao đổi với Tạp chí Du lịch TP.HCM, bà Bà Quàng Thị San, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Kéo, xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ cho biết thêm, cuộc sống hiện đại khiến cho ngày nay nhiều phụ nữ Khơ Mú lớn lên đã không còn biết trồng bông, xe sợi, dệt vải như xưa nữa. Đa phần những người còn làm các công việc này đều là những người ở độ tuổi trung niên trở lên. Nếu thế hệ ấy qua đi, có lẽ nghề này cũng sẽ thất truyền.
Chính vì thế, để bảo tồn và gìn giữ trang phục truyền thống rất cần những chính sách, kinh phí để hỗ trợ khôi phục lại nghề trồng bông dệt vải. Ngoài ra, cũng cần tổ chức tuyên truyền chị em giữ nghề truyền thống, thành lập các nhóm bảo tồn, đào tạo phụ nữ trẻ cách xe sợi, dệt vải, may thêu. Có như thế mới giữ được báu vật mà cha ông từ xa xưa đã để lại.
Sơn Hà