Bên mái nhà xưa xuân về

Bên mái nhà xưa xuân về
6 giờ trướcBài gốc
Tết đến xuân về là đoàn tụ trong mái nhà xưa. Đó là hương vị, tình cảm lớn lao nhất của mỗi người. Ai cũng ước ao với niềm cảm nhớ vừa khắc khoải vừa hạnh phúc đó. Vì vậy, ngày cuối năm, dù ở đâu, ai cũng đều muốn trở về với mái nhà bé nhỏ của bố mẹ nơi làng quê. Đó là cố hương, là miền nhớ, là tình cảm của người Việt nghìn đời nay.
Tranh của Trần Nguyên.
Căn nhà nhỏ ở làng, với đầy đủ ông bà, cha mẹ là hạnh phúc lớn vô bờ bến. Ngôi nhà có thềm hè sân gạch, mái hiên trìu mến nghiêng nghiêng nơi mẹ cha những ngày cuối năm đều ra đứng ngóng con cháu trở về. Khi đầy đủ các con, các cháu thì trải chiếu hoa, bày lá dong xanh, thúng gạo nếp, đậu xanh, thau thịt heo, cả nhà cùng quây quần gói bánh chưng hay rim mứt, làm bánh. Ánh lửa rực hồng, làn khói mờ ảo và mùi hương nếp bánh chín là hạnh phúc viên mãn. Hình ảnh ấm áp ấy theo mãi tâm khảm những người xa quê, trông ngóng trong nỗi nhung nhớ bao tháng ngày.
Cùng với ngôi nhà thì họ hàng, tình làng nghĩa xóm luôn là tình cảm lớn lao. Nhiều người đi xa về dịp Tết họ thích tha thẩn trên con đường nhỏ, cảm nhớ về ngày xưa với con đường đất hay lát gạch. Con đường đó có tuổi thơ mình tung tăng chơi đùa cùng bạn bè, ngày Tết đốt bánh pháo tép đì đẹt, tỏa khói xanh thơm lừng… Tất cả đều làm nên một ký ức bồi hồi, thổn thức dâng trào trong mỗi người.
Cùng với nồi bánh chưng, bánh mứt thì chậu hoa, cành đào, cành mai không thể thiếu trong ngày Tết. Ở làng quê phương Bắc thì chỉ cần cành đào phai lấm thấm hồng hé nụ cắm ở độc bình nơi bàn thờ gia tiên là ấm sực mùa xuân trong nhà. Ở phương Nam thì hầu như nhà nào cũng trồng vài cây mai trong sân hay vườn, rằm tháng Chạp người cha ngắt lá mai, coi như đánh dấu một mùa xuân với niềm hạnh phúc thầm rằng khi mai hé nụ thì con cháu sẽ trở về, để sáng mùng một Tết vòm mai nở vàng cùng nắng xuân lấp lánh như ánh mắt.
Có lẽ giờ phút hạnh phúc nhất là khi bày mâm ngũ quả, hương hoa lên bàn thờ gia tiên, hương trầm lan tỏa khắp nhà. Mâm cỗ tất niên bày lên trong chiều 30 Tết. Ngày nay, vì nhiều lý do, người ta làm tất niên sớm cả tuần hay chục ngày, điều đó làm giảm ý nghĩa thiêng liêng của mâm cơm đặc biệt này. Thế nên, nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống làm bữa cơm tất niên với ý nghĩa trước đón ông bà, sau vui mừng cùng con cháu xa gần đoàn tụ. Điều đó thật thiêng liêng và viên mãn trong ngôi nhà bé nhỏ thân thương giữa quê hương.
LÊ ĐỨC DƯƠNG
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202501/ben-mai-nha-xua-xuan-ve-c181958/