Bến phà Ghép anh hùng - chiến công còn vang mãi

Bến phà Ghép anh hùng - chiến công còn vang mãi
một ngày trướcBài gốc
Cầu Ghép nối đôi bờ sông Yên khu vực bến phà Ghép.
Vào những ngày đầu tháng 4 năm 1965, cuộc chiến tranh leo thang phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ ra miền Bắc bắt đầu lan rộng. Nhiều địa danh ở Thanh Hóa đã trở thành mục tiêu “rửa hận” của kẻ thù. Mục đích chủ yếu là ngăn chặn hệ thống giao thông huyết mạch của quân và dân ta. Bến phà Ghép và hệ thống giao thông chiến lược xung quanh khu vực bến phà đều là những mục tiêu đánh phá ác liệt của địch, nhằm hủy diệt mảnh đất kiên cường nơi đây. Nhưng với tinh thần vượt qua mưa bom, bão đạn, anh dũng, chiến đấu ngoan cường, sẵn sàng hy sinh để giữ vững mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, những chiến sĩ bảo vệ bến phà là những thanh niên xung phong, công nhân giao thông tràn đầy nhiệt huyết và lòng quả cảm, đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sức lực, thậm chí cả mạng sống để đập tan mưu đồ đen tối của kẻ thù, họ đã vượt lên sự khắc nghiệt của “túi bom”, “tọa độ lửa”. Chính những bông hoa bất tử ấy, đã viết nên trang sử hào hùng, để cho hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Khi ấy là chiến sỹ công an chưa đầy 20 tuổi, trực tiếp làm nhiệm vụ điều hành xe qua bến phà Ghép, Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Bộ Công an, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa xúc động chia sẻ: “...Trong suốt những năm làm nhiệm vụ, từ bến phà Ghép đến khu vực cầu Đồi, cầu Hổ của huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), hầu như không có ngày nào ngớt tiếng bom đạn của máy bay Mỹ. Là địa bàn chịu sự đánh phá ác liệt của bom đạn, tính cấp bách phục vụ chiến trường rất cao, có ngày lên đến 500 xe ô tô chờ qua bến phà Ghép, toàn là xe thuộc diện ưu tiên: Xe chở thương binh, chở đạn, xe kéo pháo, xe đảm bảo giao thông, chở lương thực thực phẩm phục vụ chiến trường...; trong khi đó quy định mỗi ngày đêm chỉ 100 xe được phép qua phà. Nhiệm vụ rất nặng nề, lực lượng điều hành phải làm việc hết sức cật lực, linh hoạt và kiên cường bám trụ cả ngày và đêm làm sao để xe qua phà được nhiều nhất nhưng phải an toàn cao nhất...”.
Ở bến phà Ghép vào ngày 21 tháng 2 năm 1968 đã chứng kiến một sự kiện nói lên tinh thần quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Đó chính là tấm gương của ông Võ Hồng Út, một biểu tượng sáng ngời về lòng dũng cảm, vượt lên gian khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông đã được tổ chức “truy điệu sống” trước khi thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả. May mắn thay, ông đã sống sót một cách kỳ diệu sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Năm nay dù đã ngoài 80 tuổi nhưng Anh hùng Lao động Võ Hồng Út vẫn giữ vững khí phách hào hùng năm xưa. Ông tâm sự: “Buổi ra trận tôi được rất nhiều người đưa tiễn và bản thân tôi cũng vững vàng chấp nhận sự hy sinh. Tươi cười bước xuống ca nô, vẫy tay chào mọi người và ngồi vào buồng lái. Chiếc ca nô quạt nước rồi hùng dũng lao đi. Tôi cho ca nô chạy theo hình chữ chi xuôi ngược trên dòng sông nơi chìm sâu những quả thủy lôi từ trường đang náu mình để chực chờ gây tội ác... Những tiếng nổ long trời lở đất, từng cột nước lừng lững dâng cao, bùn đất bắn tung tóe, không gian mịt mù làm tôi tối tăm mặt mũi. Có những khoảnh khắc tôi như bị hất tung ra khỏi ca nô, thật nhanh tôi bám chặt vào vô lăng, tiếp tục tăng ga điều khiển cho ca nô hoạt động trong dày đặc khói bom. Mọi người trên bờ đều lo lắng và tưởng rằng tôi và chiếc ca nô đã mãi mãi không trở về bởi những quả thủy lôi hung dữ, quái ác... Tôi vẫn tiếp tục điều khiển ca nô mở rộng vòng và sau đó là liên tiếp 8 quả thủy lôi nổ, tôi đã bị một quả thủy lôi gần bờ hất tung ra khỏi buồng lái và bị vùi xuống bãi lầy bên sông. Ngay sau đó tôi được đội cứu thương nhanh chóng đưa đi cấp cứu. Nằm điều trị ít hôm, tôi đã trốn viện trở về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên bến phà...”.
Khác với Anh hùng Lao động Võ Hồng Út, người công nhân phục vụ chiến đấu trên bến phà Đỗ Việt Bắc đã âm thầm kiên trí, bền gan cống hiến suốt thời gian từ năm 1965 - 1972, thực hiện nhiệm vụ lắp ghép cầu phao để các phương tiện qua sông an toàn. Mái tóc bạc phơ, đôi mắt sáng, điều đặc biệt ở ông cụ ngoài bát tuần này đó là giọng nói hào sảng thể hiện khí phách kiên cường của một người đã từng “nếm mật nằm gai”, hiểu rõ mùi sinh tử... Ông đã kể cho chúng tôi nghe thật nhiều những kỷ niệm. Dường như những mẩu chuyện ông kể đó thật sự là những thước phim quay chậm diễn ra vô cùng ác liệt, nhưng rất đỗi vinh quang trên bến phà Ghép anh hùng cách đây tròn 60 năm...
Chia tay khu vực bến phà năm xưa khi nắng chiều dần buông, chúng tôi rất cảm phục, biết ơn thật nhiều những con người đã viết nên những trang sử vinh quang, hào hùng mà bi tráng trên bến phà Ghép anh hùng. Và thầm mong nơi đây sớm trở thành một trung tâm tái hiện lại lịch sử, nhằm ghi nhớ những cống hiến, hy sinh cao cả của quân và dân ta, trở thành một địa chỉ thiêng liêng để giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau như những địa chỉ đỏ trên cả nước. Từ đó, góp phần bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào, nhân lên ý chí tự lực, tự cường, khát vọng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc hướng tới mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Lê Xuân Bính (CTV)
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/ben-pha-ghep-anh-hung-chien-cong-con-vang-mai-244218.htm