Chiều 15/12, tại TP.HCM, UBND huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) tổ chức hội nghị thông tin báo chí về Lễ hội hoa - kiểng Chợ Lách 2025, với chủ đề “Sắc màu Chợ Lách”.
Diễn ra từ ngày 8 - 12/1, tại Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách, sự kiện quy tụ hơn 100 gian hàng hoa kiểng, cây giống, dịch vụ cung ứng các kỹ thuật, công nghệ, vật tư nông nghiệp liên quan, cùng với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch, ẩm thực miệt vườn, sông nước dự kiến thu hút hơn 21.000 khách mời và khách tham quan.
Lãnh đạo huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre chủ trì cung cấp thông tin cho báo chí về Lễ hội hoa – kiểng Chợ Lách lần đầu tiên. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Theo ông Phạm Anh Linh, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, lễ hội hứa hẹn là ngày hội, nơi gặp gỡ của hàng chục ngàn nông dân miệt vườn cần cù, không ngừng đổi mới sáng tạo, vươn lên bằng bàn tay, khối óc.
Ngoài các hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại, lễ hội còn có các không gian văn hóa như: không gian sinh vật cảnh quy tụ hàng ngàn nghệ nhân cây kiểng, bonsai; không gian đờn ca tài tử; không gian nghệ nhân đọc sách; không gian kết nối thương mại điện tử ngành hàng hoa kiểng, cây giống; phiên chợ livestream hoa – kiểng…
Tất cả nhằm tôn vinh và phát huy giá trị kinh tế các sản phẩm từ hoa kiểng địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế vườn, nghề trồng hoa kiểng, gắn với Làng Văn hóa du lịch và chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm – OCOP.
Huyện Chợ Lách mệnh danh là “vương quốc” của cây giống, hoa kiểng nổi tiếng cả nước. (Ảnh: BTC)
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách nhấn mạnh: địa phương là xứ sở của cây giống, hoa kiểng nổi tiếng cả nước, có nhiều lợi thế để xây dựng sản phẩm và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho rằng Lễ hội hoa - kiểng Chợ Lách 2025 là nền tảng, bước đi đầu tiên để những người nông dân của địa phương tập làm và phát triển du lịch nông nghiệp.
“Chúng tôi tập cho nông dân của mình làm du lịch bằng cách tổ chức những sự kiện như thế này để họ chỉnh trang cảnh quan môi trường xung quanh nhà ở, chỉnh lại văn hóa ứng xử để làm du lịch. Và mục tiêu sâu xa của lễ hội hoa - kiểng này đó là phục vụ du lịch, mà chúng tôi hướng đến mục tiêu xa hơn là du lịch nông thôn, trước mắt là du lịch nông nghiệp, mà nông nghiệp là thế mạnh rất đặc biệt của Chợ Lách. Đó là nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng và chúng tôi muốn du khách đến và trải nghiệm cách trồng, chăm sóc cây kiểng, bonsai như thế nào” - ông Nguyễn Minh Đức nói.
Lễ hội hoa – kiểng Chợ Lách được định hướng là nền tảng để phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn của địa phương. (Ảnh: BTC)
Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra hoạt động xác lập kỷ lục Guiness - tuyến đường hoa kiểng do cộng đồng tạo tác từ cây hồng lộc, cây vạn niên tùng, hoa giấy, hoa cúc dài 15km – dài nhất Việt Nam, diễu hành xe hoa, hội thi Bonsai – Mai vàng, chọi gà nghệ thuật với hơn 150 “chiến kê” trên cả nước, tham gia tranh cúp “Hoàng kê Chợ Lách”.
Sự kiện cũng là dịp để địa phương giới thiệu tiềm năng và kêu gọi các nhà đầu tư đến đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.
Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM