Bến Tre sắp khởi động dự án đường bộ ven biển kết nối 3 tỉnh ĐBSCL

Bến Tre sắp khởi động dự án đường bộ ven biển kết nối 3 tỉnh ĐBSCL
2 giờ trướcBài gốc
Phối cảnh cầu Ba Lai 8 bắc qua sông Ba Lai nối huyện Bình Đại và Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Nguồn: VGP.
Theo kế hoạch, lễ khởi công sẽ diễn ra vào ngày 2/10 tới tại khu vực nút giao giữa dự án cầu Ba Lai 8 và quốc lộ 57B, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Dự án xây dựng cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, được UBND tỉnh Bến Tre ban hành quyết định đầu tư.
Cầu có chiều dài 527,6m, đường vào cầu dài 12,37km. Các công trình trên tuyến gồm: 4 cây cầu bằng bê tông cốt thép nhịp giản đơn, 2 nút giao thông giao với đường tỉnh 886 và giao với quốc lộ 57B, cống thoát nước ngang đường và đường kết nối với đường giao thông hiện hữu.
Tổng mức đầu tư của dự án là 2.255 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 gói thầu; trong đó, gói thầu xây lắp số 2 (đoạn 2 Km9+534,68 - Km12+900) thuộc dự án xây dựng cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre do Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) trúng thầu với giá trị hợp đồng là 572,2 tỷ đồng.
Việc khởi công xây dựng cầu Ba Lai 8 và khởi động dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với Tiền Giang, Trà Vinh khẳng định tầm quan trọng của việc quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên hướng đông của tỉnh.
Đồng thời, tạo tiền đề thúc đẩy quá trình triển khai xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre, bao gồm cầu Cửa Đại và cầu Cổ Chiên 2; tạo tác động lan tỏa, thu hút đầu tư xây dựng và phát triển các khu kinh tế biển, công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, du lịch, dịch vụ,… cho khu vực ven biển.
Sông Ba Lai dài 55 km nằm trọn trong địa bàn tỉnh Bến Tre, chảy từ ranh giới xã Tân Phú, huyện Châu Thành đến cửa Ba Lai (huyện Bình Đại) rồi đổ ra Biển Đông.
Trước kia sông sâu và rộng, nhưng từ đầu thế kỷ XX, do phù sa sông Cửu Long bồi nhiều ở phía cồn Dơi (vàm Ba Lai, xã Phú Đức) nên dòng sông cạn dần và ngày nay, đoạn trên của sông Ba Lai tách hẳn ra khỏi sông Mỹ Tho. Từ xã Phú Đức đến xã An Hóa (dài 17 km) dòng sông cạn và hẹp. Từ kênh An Hóa đi về phía biển, lòng sông được mở rộng từ 200 – 300 m, độ sâu từ 3 – 5 m.
Thu Thảo
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/ben-tre-sap-khoi-dong-du-an-duong-bo-ven-bien-ket-noi-3-tinh-dbscl-33740.html