Những người lính trong khóa đào tạo
Yakiv là một trong số 10 học viên Ukraine sắp hoàn tất giai đoạn đầu của khóa huấn luyện sử dụng phản lực cơ nhanh do NATO tổ chức tại một căn cứ không quân ở vùng Midlands của Anh. Yakiv cho biết đã từ bỏ công việc văn phòng nhàm chán để theo đuổi con đường trở thành phi công quân sự.
Với Fedir, một người lính khác tham gia chương trình đào tạo, đây vốn là ước mơ thuở nhỏ nơi diễn ra khóa huấn luyện bay đầu tiên dành cho các phi công Ukraine, động lực của anh đã nhen nhóm từ thuở nhỏ.
"Đây chính là tương lai của tôi", anh nhớ lại khoảnh khắc nhận ra đam mê. "Tôi muốn trở thành phi công".
Các phi công máy bay phản lực nhanh của Ukraine tại một cơ sở đào tạo ở Anh vào tháng 3/2024. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh
Là một phần của sáng kiến mang tên Chiến dịch Interstorm, 20 phi công Ukraine được đào tạo để điều khiển máy bay F-16 Fighting Falcon (tạm dịch là "Chim cắt") do Mỹ sản xuất và tiêm kích Mirage do Pháp sản xuất đã trải qua chương trình huấn luyện chuyên sâu. Họ được rèn luyện kỹ năng tiếng Anh, nắm vững quy trình vận hành trên mặt đất và làm quen với những nguyên tắc bay cơ bản trên máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi tại Anh.
Cũng như các nhóm trước, Yakiv, Fedir và khoảng 20 người đồng đội khác sẽ sớm bước vào giai đoạn huấn luyện nâng cao. Những học viên khóa trước đã được điều sang Pháp để học lái Alpha Jets, nhưng lần này Canada sẽ tiếp quản giai đoạn này. Ở giai đoạn cuối cùng, các học viên sẽ làm quen với F-16 – loại máy bay chiến đấu do tập đoàn quân sự Lockheed Martin sản xuất.
Trong một căn phòng sáng đèn tại căn cứ, ba phi công trẻ, bao gồm Yakiv và Fedir, ngồi trước những tách đồ uống nóng, đối diện với câu hỏi về tương lai của họ sau khi hoàn thành khóa huấn luyện. Họ hiểu rõ viễn cảnh có thể sớm ngồi trong buồng lái của một chiếc F-16, bay trong tầm ngắm của đối phương trên tiền tuyến.
Nhưng hiện tại, "cuộc chiến của chúng tôi ở đây", Ivan – một học viên khác vừa từ Ukraine sang tham gia khóa huấn luyện đầu tiên, lên tiếng. "Chúng tôi ở đây để rèn luyện".
Tương lai của F-16 tại Ukraine
F-16 là những mục tiêu có giá trị cao mà Ukraine sẽ nỗ lực bảo vệ bằng mọi giá. Với khả năng tấn công mặt đất uy lực và sức cơ động linh hoạt trong không chiến, F-16 có thể đạt vận tốc tối đa 2.400 km/h, được trang bị một khẩu pháo M61 Vulcan và hai tên lửa AIM-9 Sidewinder. Hiện tiêm kích này nằm trong biên chế không quân của 24 nước trên thế giới.
Đối thủ của F-16 Fighting Falcon ở chiến trường Ukraine sẽ là lực lượng phòng không và các máy bay tiêm kích Su-35, Mig-31 của Quân đội Nga. Nga công khai tuyên bố đã đặt giải thưởng cho bất kỳ quân nhân nào của Moscow bắn hạ được chiến đấu cơ F-16. Tới nay, Kiev được cho là đã mất ít nhất một chiếc F-16 do Đan Mạch cung cấp.
Người điều khiển chiếc máy bay này, Trung tá Oleksiy Mes đã không tham gia chương trình huấn luyện tại Anh. Hiện chưa có phi công nào được đào tạo theo chương trình của NATO trực tiếp tham gia các hoạt động chiến đấu tại Ukraine.
Những phi công Ukraine đầu tiên đặt chân đến xứ sở sương mù để học tiếng Anh vào tháng 8/2023 và hoàn thành khóa đào tạo cơ bản vào tháng 3 năm ngoái. Hiện tại, họ đang bước vào giai đoạn cuối của chương trình huấn luyện F-16 tại một địa điểm khác.
Tại Canada, các phi công sẽ tiếp tục bay trên máy bay huấn luyện phản lực L-39 – loại máy bay mà nhiều người trong số họ đã quen thuộc từ quá trình huấn luyện ở Ukraine, trước khi chuyển sang điều khiển F-16.
Chương trình đào tạo kéo dài khoảng 18 tháng, ngắn hơn gần một năm so với chương trình tương đương của Không quân Hoàng gia Anh. Việc rút ngắn thời gian đào tạo hơn nữa có thể làm dấy lên lo ngại về việc liệu các phi công có được chuẩn bị đầy đủ cho chiến đấu hay không.
Căn cứ không quân tại Anh hiện có khả năng đào tạo 20 phi công Ukraine mỗi năm trong giai đoạn đầu, nhưng không thể tiếp nhận thêm. Các quan chức Ukraine trước đây đã chỉ trích Mỹ – một trong những quốc gia cũng tham gia đào tạo phi công Ukraine vì sự chậm trễ trong chương trình huấn luyện. Trong năm 2024, Mỹ và các đối tác quốc tế đã đào tạo một số lượng nhỏ phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16 tại 3 địa điểm, gồm Căn cứ Không quân quốc gia Morris của Mỹ ở Arizona, Căn cứ Không quân Skrydstrup của Đan Mạch và Trung tâm Đào tạo Fetești mới mở ở Romania.
Máy bay F-16. Ảnh: Lockheed Martin
Trên thực tế, nhiều quân nhân Ukraine được gửi đến Anh để đào tạo tiếng Anh hơn là trực tiếp tham gia chương trình huấn luyện lái máy bay phản lực. Vào đầu năm 2025, Đại sứ quán Anh tại Kiev cho biết Anh đã đào tạo 200 nhân sự hàng không Ukraine, không chỉ giới hạn ở các chương trình đào tạo phi công điều khiển máy bay phản lực nhanh mà còn bao gồm các kỹ năng như vận hành mặt đất và nâng cao trình độ tiếng Anh - một trong những rào cản lớn nhất đối với các học viên.
Tại Anh, các phi công mới được đưa trở lại với những kiến thức căn bản, bắt đầu từ con số 0. Những thói quen bay đã ăn sâu trong quá trình đào tạo tại Ukraine không dễ dàng thay đổi, Yakiv thừa nhận. Dù 20 phi công đầu tiên tham gia huấn luyện đều đã có kinh nghiệm bay tại Ukraine nhưng những nhóm tiếp theo sẽ đến Anh được cho là không có kinh nghiệm tương tự.
Trong khi đó, Ukraine chưa nhận đủ số lượng F-16 mà các đồng minh phương Tây cam kết viện trợ. Tổng số máy bay phản lực sắp bàn giao vẫn chưa đạt tới con số mà Kiev tuyên bố là cần thiết cho chiến trường.
Tổng thống Ukraine Zelensky đang hi vọng nhận thêm máy bay chiến đấu F-16 từ Hà Lan, sau cuộc gặp giữa ông và Thủ tướng Hà Lan, Dick Schoof tại Hội nghị Munich vừa qua. Cả hai quốc gia đều nhất trí tăng cường năng lực quân sự của Ukraine như một sự bảo đảm an ninh cho toàn bộ châu Âu.
"Điều này rất quan trọng đối với sự ổn định của châu Âu. Năm nay, chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều máy bay F-16 được giao - bầu trời của Ukraine phải được bảo vệ và an toàn", ông Zelensky nói.
Kiev đã kêu gọi các đồng minh viện trợ máy bay F-16 trong nhiều tháng trước khi những chiếc tiêm kích phản lực do phương Tây sản xuất này lần đầu tiên được cất cánh trên chiến trường vào mùa hè năm 2024.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov ngày 6/2 tuyên bố, ngoài máy bay chiến đấu Mirage 2000 của Pháp, Ukraine còn nhận được máy bay phản lực F-16 từ Hà Lan. Cùng ngày, có thông tin cho biết máy bay Mirage 2000 đầu tiên của Pháp đã tới Ukraine. Đây là loại máy bay chiến đấu thứ hai mà Kiev nhận được từ các đồng minh trong thời gian diễn ra xung đột với Nga.
Tuy nhiên, thông tin về những chiếc máy bay phản lực được mong đợi từ lâu vẫn khá ít ỏi. Chúng nhanh chóng được triển khai vào nhiệm vụ phòng thủ nhưng chủ yếu hoạt động trong thầm lặng, khiến nhiều người lo ngại rằng chúng có thể đã đến quá muộn để tạo ra thay đổi có lợi cho quân đội Ukraine.
Theo chuyên gia quân sự Nga Viktor Barants, tên lửa phòng không dẫn đường 40N6 của hệ thống phòng không S-400 Nga có thể bắn hạ máy bay F-16 của Ukraine gần như ngay lập tức sau khi cất cánh.
“Các chuyên gia đánh giá với sự trợ giúp của tên lửa phòng không 40N6, chúng tôi có thể bắn hạ máy bay địch ngay sau khi cất cánh ở tầm xa. Tên lửa này có thể bắn hạ tên lửa hành trình, máy bay và trực thăng của đối phương”, chuyên gia quân sự Viktor Baranets cho biết.
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo Newsweek, ABC News