Bên trong chiến dịch lật đổ Tổng thống Guatemala của CIA - Kỳ 1

Bên trong chiến dịch lật đổ Tổng thống Guatemala của CIA - Kỳ 1
5 giờ trướcBài gốc
Theo trang Allthatsinteresting, trong suốt đầu thế kỷ 20, một tập đoàn đa quốc gia của Mỹ có tên là Công ty Trái cây Mỹ (United Fruit Company - UFC), hiện có tên Chiquita Brands International, đã kiểm soát các vùng đất rộng lớn và hoạt động sản xuất ở Guatemala. Được chế độ độc tài tham nhũng bảo trợ, công ty này hầu như không bị phản kháng sau khi bóc lột kinh tế hàng chục năm liền.
Nhưng vào những năm 1940, một cuộc cách mạng dân chủ và kêu gọi công lý đã đe dọa làm suy yếu vị thế của UFC. Vì vậy, công ty này đã sử dụng các mối quan hệ quyền lực của mình trong Nhà Trắng để Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) triển khai Chiến dịch PBSuccess: một cuộc đảo chính quy mô lớn phá hủy nền dân chủ của đất nước Guatemala, đưa một nhà độc tài lên nắm quyền, châm ngòi cho một cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ và diệt chủng người Maya bản địa.
Kỳ 1: Hàng chục năm thao túng Guatemala của UFC
UFC được thành lập vào cuối thế kỷ 19, đã trở thành một biểu tượng của quyền lực kinh tế Mỹ tại khu vực Mỹ Latinh. Là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chuối, UFC không chỉ mở rộng hoạt động thương mại quốc tế mà còn tạo ra các ảnh hưởng sâu rộng về kinh tế và văn hóa. Tầm ảnh hưởng của UFC vượt ra ngoài phạm vi kinh doanh đơn thuần, thể hiện qua khả năng thao túng thị trường và tạo dựng quan hệ với các chính phủ, trong đó can thiệp đáng kể vào chính trị nội bộ của nhiều quốc gia Trung Mỹ.
Một đồn điền chuối của UFC ở Guatemala. Ảnh: Wikimedia Commons
Với mô hình kinh doanh theo kiểu kiểm soát chuỗi cung ứng và đầu tư hạ tầng, UFC đã nhanh chóng phát triển thành một “đế chế” có ảnh hưởng đáng kể trong khu vực. Tuy nhiên, quyền lực này đi kèm với các vấn đề như khiến các nước sản xuất phụ thuộc kinh tế và điều kiện làm việc không công bằng cho người lao động. UFC là ví dụ điển hình về hành vi thao túng của các tập đoàn nước ngoài.
Sau một loạt các tranh cãi và biến động chính trị trong khu vực UFC cuối cùng tái cấu trúc và đổi tên thành Chiquita Brands International vào năm 1984. Ngày nay, Chiquita vẫn là một cái tên quen thuộc trong ngành chuối toàn cầu, nhưng lịch sử của công ty này luôn là lời nhắc nhở về tính phức tạp trong mối quan hệ giữa các tập đoàn quốc tế và các quốc gia đang phát triển.
Còn tại Guatemala – nơi mà UFC hoạt động, trong nửa đầu thế kỷ 20, nước này có một loại sản phẩm duy nhất là chuối và bị gọi là một “cộng hòa chuối”, một thuật ngữ miệt thị thường bị gán cho các quốc gia nghèo mà nền kinh tế chỉ dựa vào một loại cây trồng duy nhất (trong trường hợp này là chuối). Các quốc gia này cũng thường do các chính trị gia tham nhũng quản lý.
Ngành chuối ở Guatemala bị UFC thống trị và công ty này kiểm soát 42% đất đai của Guatemala, hơn 2/3 xuất khẩu của quốc gia này và thậm chí kiểm soát cả hệ thống điện thoại, điện báo. Được Tổng thống độc tài Jorge Ubico của Guatemala hỗ trợ, UFC hầu như không bị cản trở khi hối lộ quan chức, trả lương thấp và lạm dụng người lao động.
Jorge Ubico, cựu Tổng thống Guatemala, năm 1931. Ảnh: Wikimedia Commons
Nhưng vào tháng 6/1944, tình hình dường như thay đổi. Cuộc Cách mạng Guatemala đã buộc ông Ubico phải từ chức sau hơn một thập kỷ nắm quyền.
Sau cuộc cách mạng, Guatemala đã trải qua cuộc bầu cử hợp pháp đầu tiên trong lịch sử, nhanh chóng bầu chọn những nhà cải cách tự do, hứa hẹn áp dụng mức lương tối thiểu, xây dựng 6.000 trường học và thiết lập quyền bầu cử phổ thông.
Tới năm 1951, khi ông Jacobo Arbenz được bầu làm tổng thống, Guatemala bắt đầu muốn thực hiện một mục tiêu lớn hơn: giành lại quyền kiểm soát kinh tế.
UFC theo dõi cuộc cách mạng dân chủ với tâm trạng lo lắng, nhận thấy mối đe dọa rõ ràng mà tầng lớp dân chúng mới trỗi dậy có thể gây ra cho các hoạt động kinh doanh bóc lột của mình.
Tâm trạng lo lắng này chuyển thành báo động khi chính quyền của ông Arbenz ban hành Nghị định 900. Nghị định mới này phân phối lại đất cho hơn 100.000 gia đình Guatemala, nhằm chuyển giao đất chưa phát triển do các chủ sở hữu lớn nắm giữ cho các nông dân không có đất. UFC sở hữu gần một nửa đất nước Guatemala, trong đó có nhiều diện tích đất nằm trong diện bị thu hồi.
Đây không phải là một cuộc thu hồi thông thường. Chính phủ đã trả tiền cho từng mẫu đất mà họ thu hồi, dựa trên giá trị mà các chủ sở hữu đã khai trong hồ sơ thuế trước đó.
Logo của UFC. Ảnh: New York Times
Tuy nhiên, UFC đã liên tục đánh giá thấp giá trị tài sản của mình để trốn thuế. Do đó, đến cuối năm 1952, chính quyền của ông Arbenz đã thu hồi được 40% đất đai của công ty này với chi phí không đáng kể.
Trước tình hình đó, UFC không thể ngồi yên chờ đợi. Công ty này cần tới sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ để ngăn chặn ông Arbenz.
UFC bắt đầu một chiến lược bôi xấu Guatemala trên báo chí, coi nước này là một kẻ thù của Mỹ. Chiến dịch của họ diễn ra nhờ các mối quan hệ của công ty với chính phủ Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles lúc bấy giờ là cựu luật sư của UFC. Anh trai ông này là Allen Dulles giữ chức Giám đốc CIA và từng nằm trong Ban Giám đốc của UFC. Giám đốc Quan hệ công chúng của công ty, Ed Whitman, lại là chồng của Ann Whitman, thư ký riêng của Tổng thống Dwight D. Eisenhower.
UFC không cần phải tác động quá nhiều. Tổng thống Eisenhower rất háo hức thể hiện lập trường của mình với thế giới. Theo lệnh của ông Eisenhower, CIA bắt đầu xây dựng Chiến dịch PBSuccess vào tháng 8/1953.
Đón đọc kỳ cuối: Chiến dịch PBSuccess
Thùy Dương/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ho-so/ben-trong-chien-dich-lat-do-tong-thong-guatemala-cua-cia-ky-1-20241030170438445.htm