Các hồng y sẽ bỏ phiếu trong một nhà nguyện có bức "Phán xét cuối cùng" hùng vĩ của Michelangelo trên một bức tường, và hình ảnh bàn tay Chúa ban sự sống cho Adam phía trên họ.
Một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới sẽ trở thành tâm điểm khi quá trình bầu chọn người kế vị Giáo hoàng Francis chính thức bắt đầu.
Các hồng y sẽ nhóm họp tại Nhà nguyện Sistine ở Vatican để bỏ phiếu trong mật nghị hồng y - quá trình bầu ra vị giáo hoàng mới. Một trong số họ sẽ rời khỏi nơi này với tư cách là người đứng đầu mới của Giáo hội Công giáo.
Dù là truyền thống mang tính bảo mật cao, dưới đây là những điều đã được biết về quy trình bầu chọn đặc biệt này.
Các cuộc họp hàng ngày
Sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, các hồng y từ khắp nơi trên thế giới sẽ về Rome và họp mặt mỗi ngày để thảo luận về những vấn đề lớn của Giáo hội. Tân giáo hoàng sẽ được chọn ra từ chính các thành viên trong hồng y đoàn - những người sẽ vào Nhà nguyện Sistine để tham gia bầu chọn.
Lính gác Thụy Sĩ đứng hai bên cánh cửa đóng của Nhà nguyện Sistine khi các hồng y bắt đầu mật nghị vào năm 2013.
Cuộc bầu chọn, hay mật nghị hồng y, phải bắt đầu trong khoảng từ 15 đến 20 ngày sau khi “ngai tòa trống” (tiếng Latinh là sede vacante). Nhà sử học Giáo hội Công giáo, Tiến sĩ Miles Pattenden, cho rằng đây là “thời khắc quyết định sẽ định hình hướng đi tương lai của Giáo hội”.
“Các hồng y hiểu rằng họ không thể mất hàng tháng, thậm chí hàng năm để bầu giáo hoàng như từng xảy ra trong quá khứ. Vì vậy, họ cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm để đảm bảo một cuộc bầu chọn nhanh chóng”, ông nói.
Điều gì diễn ra trong mật nghị?
Ngày đầu tiên sẽ có một lần bỏ phiếu, các ngày tiếp theo sẽ bỏ phiếu hai lần mỗi ngày nếu chưa có kết quả. Chỉ các hồng y dưới 80 tuổi mới được tham gia bỏ phiếu.
Các hồng y sẽ bị cắt đứt hoàn toàn liên lạc với thế giới bên ngoài trong suốt mật nghị, và lưu trú tại Domus Sanctae Marthae - một nhà khách trong nội thành Vatican.
Dù quá trình này ngày càng bí mật, Tiến sĩ Pattenden cho biết chúng ta biết nhiều hơn về các mật nghị thời thế kỷ 16, khi các thế lực châu Âu đều có “tai mắt” bên trong, hơn là mật nghị hiện đại.
“Tính bảo mật không chỉ mang tính biểu tượng mà còn là vấn đề thần học. Quan điểm của Giáo hội là Chúa, thông qua Chúa Thánh Thần, sẽ hướng dẫn các hồng y chọn đúng người. Nếu mọi trao đổi bị tiết lộ, điều đó sẽ làm suy yếu niềm tin ấy”, ông Pattenden nói.
Hồng y bỏ phiếu như thế nào?
Mỗi người viết tên ứng viên mình chọn lên phiếu bầu có dòng chữ Latin: Eligo in summen pontificem (Tôi chọn làm Giáo hoàng Tối cao). Sau đó, từng người tiến lên bàn thờ, bỏ phiếu và đọc lời thề: “Tôi lấy Đức Kitô, Chúa tôi, làm chứng - Người sẽ là Đấng xét xử tôi - rằng tôi đã bỏ phiếu cho người mà tôi tin, trước mặt Thiên Chúa, là xứng đáng được bầu chọn”.
Người dân theo dõi từ Quảng trường Thánh Phêrô khi các hồng y tiến vào Nhà nguyện Sistine để bắt đầu mật nghị vào năm 2013.
Ba giám khảo mở và đọc phiếu thành tiếng. Sau đó, phiếu được đâm xuyên qua bằng kim, xâu lại bằng chỉ và buộc nút.
Kết quả được kiểm đếm và ghi lại. Nếu chưa đạt hai phần ba số phiếu, các lá phiếu sẽ bị đốt trong lò tại Nhà nguyện Sistine kèm một loại hóa chất tạo khói đen, báo hiệu “chưa có kết quả”.
Nếu sau 13 ngày vẫn chưa bầu được giáo hoàng, cuộc bỏ phiếu sẽ giới hạn còn hai ứng viên dẫn đầu, nhưng vẫn phải đạt đa số hai phần ba cộng một.
Chờ khói trắng
Khi đã chọn được người, trưởng ban lễ nghi sẽ bước vào Nhà nguyện Sistine. Một hồng y cấp cao hỏi người vừa được bầu: “Ngài có chấp nhận việc được chọn làm Giáo hoàng không?”.
Về lý thuyết, hồng y có thể từ chối, nhưng điều này thường được biết rõ từ trước. Nếu đồng ý, câu hỏi tiếp theo là: “Ngài muốn được gọi bằng tên nào?”.
Lúc đó, khói trắng bay lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine, chuông Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô vang lên.
Khói trắng sẽ bốc lên từ ống khói để báo hiệu với thế giới rằng một vị giáo hoàng mới đã được bầu chọn.
Tân giáo hoàng sẽ mặc áo trắng, các hồng y lần lượt tuyên thệ trung thành. Ngài dừng lại cầu nguyện tại Nhà nguyện Pauline, rồi bước ra ban công.
Giáo hoàng mới chào thế giới
Hồng y phó tế cao niên nhất sẽ ra ban công Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô và tuyên bố: “Habemus Papam!” (Chúng ta đã có Giáo hoàng!).
Tân Giáo hoàng xuất hiện, chào đám đông và đọc những lời đầu tiên trước công chúng. “Khi Giáo hoàng Francis bước ra với nụ cười và những cái vẫy tay năm 2013, hình ảnh đó giúp ông tạo dựng hình tượng một người lãnh đạo khiêm tốn, giản dị và tử tế - điều được duy trì suốt hơn một thập kỷ”, ông Pattenden nhận xét.
Ngoài nội dung phát biểu, giới quan sát còn để ý ngôn ngữ tân giáo hoàng chọn để phát biểu, vì đó có thể là dấu hiệu cho thấy ông nhìn nhận vai trò của mình trong thế giới hiện đại như thế nào.
Ảnh hưởng của Giáo hoàng Francis tới người kế nhiệm
Francis đã bổ nhiệm khoảng hai phần ba số hồng y có quyền bỏ phiếu, bao gồm 18 người được thăng chức vào tháng 10 năm 2023.
Tuy vậy, ông Pattenden khẳng định các hồng y là “những tác nhân độc lập” và không bị ràng buộc bởi ý chí của giáo hoàng tiền nhiệm.
“Dù giáo hoàng có quyền tuyệt đối trong việc chọn hồng y, chưa có vị nào có thể kiểm soát kết quả mật nghị kế tiếp”, ông nói.
Dẫu vậy, ông cho rằng sẽ là điều bất ngờ nếu tân giáo hoàng không chia sẻ ít nhiều quan điểm của Francis về công bằng xã hội và vai trò của Giáo hội trong thế giới hôm nay.
Lê Vy
Ảnh: Reuters