Bên trong quán phở từng là nơi cư trú của 100 chiến sĩ biệt động Sài Gòn

Bên trong quán phở từng là nơi cư trú của 100 chiến sĩ biệt động Sài Gòn
2 giờ trướcBài gốc
Giữa những con phố nhộn nhịp của TP.HCM, tiệm Phở Bình nằm khiêm tốn trên đường Lý Chính Thắng, quận 3. Ít ai biết rằng, đằng sau tô phở nơi đây là cả một câu chuyện lịch sử hào hùng, gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Chủ tiệm, ông Ngô Toại (tên thật là Ngô Duy Ái) đã mang theo công thức nấu phở truyền thống từ miền Bắc vào Nam vào cuối những năm 1950. Tiệm phở của ông còn được xây dựng với kết cấu đặc biệt, tạo điều kiện cho một sứ mệnh thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng.
Tiền thân của tiệm phở là ở Nguyễn Văn Học, Gia Định (nay là Nơ Trang Long, Quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Ông Ngô Toại, chủ tiệm phở, chụp ảnh lưu niệm cùng khách nước ngoài đến tham quan di tích.
Căn nhà gồm một trệt, ba lầu và sân thượng. Trong đó, tầng trệt là không gian buôn bán, rộng khoảng 4x19 mét, có thiết kế “nở hậu” thuận phong thủy. Bếp nấu nằm sát mặt tiền, phía sau là khu ăn uống được bố trí gọn gàng với lối đi chính giữa.
Từ tầng một trở lên, mỗi tầng chia làm hai phòng: phòng trước rộng khoảng 3x3,5 mét, phòng sau khoảng 3x4 mét. Hàng ba phía trước mỗi lầu rộng 1,2 mét, dài 4 mét, được che bởi những tấm sáo trúc vừa kín đáo, vừa thuận tiện cho việc quan sát.
Bên trong quán phở từng là nơi cư trú của 100 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.
Chính sự kín đáo này đã biến Phở Bình trở thành một cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn. Trong vai những người giúp việc tại tiệm phở, các chiến sĩ biệt động đã âm thầm tiếp nhận tài liệu, truyền tin và chuẩn bị cho những trận đánh lịch sử ngay trong lòng đô thị.
Đặc biệt, phòng sau của lầu một từng là nơi trú quân bí mật của một trung đội nữ gồm các thành viên đến từ nhiều bộ phận như điện đài, y tế, giao liên… thuộc Sở chỉ huy Tiền phương - Phân khu 6 (thuộc Đặc khu Sài Gòn - Gia Định).
Đỉnh điểm là vào cuối tháng 1 năm 1968, tiệm Phở Bình trở thành điểm tập kết quan trọng trong những ngày chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.
Tại đây, hơn 100 chiến sĩ thuộc đơn vị F100 đã bí mật hội quân, nhận mệnh lệnh cuối cùng trước khi tấn công vào các mục tiêu trọng yếu như Đại sứ quán Mỹ và các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn.
Bộ ghế salon của gia đình đồng chí Ngô Toại được các đồng chí cán bộ Bộ chỉ huy tiền phương sử dụng.
Ngày nay, Phở Bình vẫn giữ nguyên dáng vẻ xưa, không chỉ là nơi để thưởng thức món phở đậm đà hương vị Bắc, mà còn là một "chứng nhân sống" của lịch sử.
Những ngày tháng 4 này, nhiều học sinh, sinh viên hoặc khách đoàn đã tìm đến địa điểm từng là nơi cư trú của 100 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn để ôn lại lịch sử cũng như càng thêm trân quý, tự hào về hòa bình đang có.
Giữa dòng chảy hiện đại, nơi đây nhắc nhở chúng ta về một thời kỳ oanh liệt mà không phải ai cũng hay biết: một quán ăn nhỏ nhưng chất chứa cả tinh thần chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.
Tiệm phở Bình được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1989.
Hoàng Minh
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/quan-pho-tung-la-noi-cu-tru-cua-100-chien-si-biet-dong-sai-gon-202504300756355701.html