21h tối 16/7, tại Trung tâm thông tin chỉ huy - Cục CSGT (Bộ Công an), các cán bộ, chiến sĩ vẫn ứng trực để xử lý thông tin, hình ảnh được truyền về từ camera trên các tuyến đường và xe tuần tra của CSGT có gắn camera trên khắp cả nước.
Mọi dữ liệu từ tình hình giao thông, vi phạm giao thông, kết quả bắn tốc độ, kết quả đo nồng độ cồn... đều được truyền về Trung tâm này.
Đại tá Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, từ dữ liệu được truyền về sẽ thông qua hệ thống phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động nhận diện hành vi.
"Trường hợp phát hiện vi phạm thì hình ảnh, biển số xe, địa điểm vi phạm... sẽ được hệ thống lưu lại. Đồng thời, từ biển số xe, AI sẽ tự động đối soát qua cơ sở dữ liệu mà Cục CSGT quản lý để tìm ra chủ phương tiện và người lái. Sau đó, chuyển toàn bộ dữ liệu sang phần mềm xử lý vi phạm mà không cần sự can thiệp của cán bộ, chiến sĩ", Đại tá Phạm Quang Huy cho biết.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục CSGT, từ phần mềm xử lý vi phạm, qua ứng dụng CSGT (dành cho CSGT) và VNeTraffic (dành cho người dân), trong vòng 2 tiếng sau khi vi phạm, chủ phương tiện nhận được thông báo.
Nói về mức độ hiệu quả của việc ứng dụng AI vào giám sát, phát hiện vi phạm, Đại tá Phạm Quang Huy cho biết, trường hợp phát hiện biển kiểm soát của phương tiện bị mờ, AI sẽ đối soát dữ liệu và cho ra biển số chuẩn đến 90%.
Đồng thời, các hành vi như: người tham gia giao thông cầm kiếm, giáo mác, hung khí... ra đường cũng được AI nhận diện và cảnh báo cho lực lượng ứng trực. Mọi khuôn mặt sẽ được ghi nhớ và được trích xuất khi xảy ra các vụ việc gây rối trật tự công cộng. Từ đó, lực lượng chức năng có thể dễ dàng tìm tung tích của các đối tượng tình nghi.
Hệ thống AI cũng giúp CSGT rà soát, vẽ lại hành trình của phương tiện thông qua các đặc điểm như màu sơn xe, biển số... nhằm tìm phương tiện bỏ trốn khi gây tai nạn giao thông.
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình - Cục trưởng Cục CSGT cho biết, hiện Cục triển khai thí điểm gửi cảnh báo vi phạm giao thông thông qua ứng dụng VNeTraffic đối với các phương tiện vi phạm trên 4 tuyến cao tốc do đơn vị quản lý: Nội Bài - Lào Cai; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; TPHCM – Long Thành – Dầu Giây; TPHCM – Trung Lương.
"Thời gian tới, đơn vị sẽ nghiên cứu, đề xuất tiến tới sửa đổi một số quy định cho phép người vi phạm có thể phản hồi lại thông báo vi phạm này qua mạng. Nếu họ công nhận đúng hành vi, cảnh sát sẽ ra quyết định xử phạt qua mạng kèm chứng cứ điện tử. Mục tiêu là đơn giản hóa tối đa trong giải quyết, tránh các thủ tục còn rườm rà như hiện hành", Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình nói.
Đình Hiếu