Kios lấy số thứ tự được triển khai ở hầu hết các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Những người cao tuổi được hướng dẫn lấy số thứ tự đăng ký khám tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ.
Từ xu hướng đến hành động cụ thể
Kể từ khi Nghị quyết 57 được ban hành, ngành Y tế Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp, nhằm đưa chất lượng công tác khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn ngày một tốt hơn. Một trong những điểm nhấn là Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị với sự tham gia của các giáo sư, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực công nghệ thông tin, cán bộ các vụ, cục thuộc Bộ Y tế để hướng dẫn cũng như để triển khai thực hiện các nội dung để đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu của Nghị quyết 57.
Ngay sau đó, Sở Y tế cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các nội dung Nghị quyết 57, một trong những nội dung được chú trọng là triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (BAĐT). Các đơn vị cũng phải thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch chi tiết lộ trình thực hiện cụ thể theo ngày, tháng hoàn thành từng nhiệm vụ… Toàn ngành phấn đấu chậm nhất đến 30-6, tất cả các đơn vị trực thuộc ngành Y tế Thái Nguyên quản lý đều phải triển khai BAĐT.
Việc triển khai bệnh án điện tử sẽ giúp người bệnh dễ dàng tra cứu kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh ngay trên điện thoại. Trong ảnh: Thực hiện các xét nghiệm tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên.
Theo đồng chí Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên: BAĐT không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là giải pháp trọng tâm của ngành nhằm tăng tính minh bạch, giảm thủ tục giấy tờ, tiết kiệm chi phí, đồng thời góp phần xây dựng hệ sinh thái y tế số toàn diện.
Các bệnh viện vượt khó
Bác sĩ Lê Văn Quang, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên, chia sẻ: Chúng tôi xác định, BAĐT là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của đơn vị. Mặc dù đến cuối năm 2025, Bệnh viện sẽ chuyển tới trụ sở mới nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm triển khai bằng được BAĐT và đã được Hội đồng thẩm định thông qua ngày 11-4. Để có được kết quả này, đơn vị đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ hạ tầng công nghệ, máy chủ, phần mềm quản lý bệnh viện đến nguồn nhân lực vận hành. Ngay cả khi chuyển sang cơ sở mới, chúng tôi vẫn ưu tiên kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số.
Còn tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên, công tác triển khai BAĐT đang diễn ra hết sức khẩn trương. Những khó khăn trong quá trình thực hiện mà Bệnh viện gặp phải, như: Thiếu nhân lực (chỉ có 2 cán bộ công nghệ thông tin), bệnh nhân chủ yếu là người già, khả năng sử dụng công nghệ hạn chế và một số trang thiết bị y tế thế hệ cũ, chưa tương thích với BAĐT… Tuy nhiên, theo bác sĩ Đỗ Quang Thọ, Phó Giám đốc, thì đây là việc không thể không làm nên Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ, viên chức đều chung quyết tâm rất cao, phải làm cho bằng được. Trong quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của UBND tỉnh, Sở Y tế về kỹ thuật, kinh phí, đào tạo; đội ngũ cán bộ viên chức cũng làm quen với hồ sơ BAĐT từng phần… Theo dự kiến đến tuần 3 tháng 5, đơn vị sẽ đủ điều kiện để thẩm định BAĐT.
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên thực hiện phẫu thuật từ 20-30 ca, trong đó nhiều nhất là phẫu thuật Phaco.
Tương tự, tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ, việc triển khai BAĐT cũng trong giai đoạn tăng tốc. Giám đốc Trung tâm, bác sĩ Triệu Văn Thu, cho biết: Chúng tôi đã thuê phần mềm từ VNPT, đầu tư thiết bị, đào tạo cán bộ. Hiện đã hoàn thành quy trình liên thông hình ảnh, chữ ký số... Thách thức về hạ tầng, kỹ năng là có, nhưng với tinh thần gấp rút, đơn vị đang từng bước vượt qua và dự kiến sẽ được thẩm định hồ sơ BAĐT trong tháng 5.
Khẳng định vai trò tiên phong
Bác sĩ Trần Thị Thúy Thương, phụ trách Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Y học cổ truyền, cho biết: Việc áp dụng BAĐT giúp người bệnh dễ dàng tra cứu kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh ngay trên điện thoại. Hệ thống liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện giúp bác sĩ biết ngay lịch sử khám, chữa bệnh của bệnh nhân, từ đó hạn chế xét nghiệm trùng lặp, tiết kiệm chi phí và thời gian.
Còn theo bà Nguyễn Thị Phúc, thôn Tân Tiến, xã Trung Lương (Định Hóa) - bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền, thì chia sẻ: Giờ đây, chúng tôi chỉ cần mỗi thẻ căn cước và chiếc điện thoại thông minh là có thể làm mọi thủ tục từ đăng ký khám, xem hồ sơ bệnh án, đến thanh toán ra viện…
Khi triển khai bệnh án điện tử, những chồng hồ sơ giấy như này sẽ không còn.
Quả thật, hồ sơ BSĐT không chỉ là một công cụ quản lý y tế, mà là nền tảng cốt lõi cho hệ sinh thái y tế thông minh - nơi dữ liệu kết nối, quy trình tối ưu và người bệnh được đặt làm trung tâm. Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng không thể đảo ngược, việc triển khai BAĐT là yêu cầu tất yếu để hiện đại hóa dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và tiết kiệm chi phí toàn diện.
Với tinh thần quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo, ngành Y tế Thái Nguyên đã chứng minh năng lực tổ chức, khả năng thích ứng và sự quyết tâm vượt khó khi không chỉ hoàn thành đúng tiến độ, mà còn đặt mục tiêu vượt kế hoạch đề ra. Mỗi bệnh viện, mỗi cán bộ y tế đang từng ngày góp phần hiện thực hóa mục tiêu lớn - xây dựng nền y tế số lấy người dân làm trọng tâm, công nghệ làm công cụ và chất lượng phục vụ làm thước đo.
Có thể nói, Thái Nguyên đang không chỉ theo kịp, mà còn dẫn đầu làn sóng chuyển đổi số ngành y tế - một bước tiến vững chắc cho tương lai.
Tính đến ngày 20-4, toàn tỉnh có 8 cơ sở y tế hoàn thành việc thẩm định hồ sơ BAĐT, gồm: Bệnh viện A, Bệnh viện C, Bệnh viện Phổi, Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và Bệnh viện Gang thép.
Hạ Liên