Các biểu hiện của bệnh cúm có thể nhầm với bệnh gì?
Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường xuất hiện sau 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh. Có rất nhiều người nhầm lẫn giữa bệnh cúm và cảm lạnh do triệu chứng cúm và cảm lạnh tương đồng với nhau. Ngoài các dấu hiệu nhận biết là đau họng, sổ mũi và hắt hơi (giống với cảm lạnh) thì bệnh còn có các dấu hiệu như sau:
Sốt vừa đến cao (trên 38 độ C)
Cảm giác ớn lạnh
Đau đầu, chóng mặt
Đau nhức cơ bắp
Mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực
Buồn nôn, tiêu chảy (thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn).
Thời gian ủ bệnh thường kéo dài trong khoảng 2 ngày. Sau khoảng 5 ngày, triệu chứng sốt và các triệu chứng khác sẽ biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ hết trong vòng một hoặc hai tuần.
Một số biểu hiện của bệnh cúm dễ nhầm lẫn với các bệnh sau:
Cảm lạnh
Cảm lạnh và cảm cúm đều là bệnh do virus gây ra, có nhiều triệu chứng giống nhau như đau họng, hắt hơi, nghẹt mũi. Sự khác biệt chủ yếu là tốc độ phát triển các triệu chứng. Cảm lạnh thường diễn biến chậm, trong khi cúm lại diễn tiến nhanh, đột ngột. Người bệnh có thể nhận thấy các dấu hiệu bệnh trong khoảng 1-7 ngày, thông thường là 48-72h sau khi tiếp xúc với virus cúm.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường xuất hiện sau 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh.
Viêm họng do liên cầu khuẩn
Cúm và viêm họng liên cầu khuẩn có chung nhiều triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau nhức toàn thân, đau họng, mệt mỏi.... Tuy nhiên ở bệnh nhân mắc viêm họng liên cầu khuẩn thường không có triệu chứng như ngạt mũi, chảy mũi (triệu chứng chính trong bệnh cúm). Ngoài ra, viêm họng liên cầu khuẩn có thể gây sưng hạch vùng cổ, vùng mang tai, sưng amidan, xuất hiện sưng đỏ trong cổ họng, các mảng trắng trong miệng. Những triệu chứng này đều không phải là điển hình của bệnh cúm.
Viêm phổi
Viêm phổi có triệu chứng ban đầu rất dễ nhầm lẫn với cúm. Nó có thể xảy ra riêng biệt hoặc là biến chứng của bệnh cúm. Viêm phổi xảy ra trong hoặc sau khi bị cúm có thể do chính virus cúm gây ra, hoặc do đồng nhiễm virus cúm và vi khuẩn. Trong đó, viêm phổi do vi khuẩn rất nghiêm trọng, gây cơn ho dai dẳng, có đờm nhầy, thường kèm theo đau ngực, khó thở, sốt. Viêm phổi gây ra bởi virus thường ít nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị nghẹt mũi, chảy mũi, ho khan, mệt mỏi, tuy nhiên do tốc độ lây lan nhanh nên nó có thể gây ra đại dịch lớn với tỷ lệ tử vong cao...
Mắc COVID-19
Khi mắc COVID-19 người bệnh bị sốt, ho, đau họng, mất vị giác và khứu giác... Một số trường hợp COVID-19 cũng có thể gây đau đầu, đau cơ, mệt mỏi tương tự như cúm. Nên dựa vào các triệu chứng và diễn tiến của bệnh sẽ thấy sự khác nhau.
Trường hợp nào nên tiêm vaccine phòng cúm?
Tiêm vaccine phòng cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm nguy cơ diễn biến nặng khi mắc cúm.
Trong đó, những người lớn tuổi; người có các bệnh nền như đái tháo đường, tim mạch, hô hấp, béo phì; người suy giảm miễn dịch hoặc ghép tạng là những người có nguy cơ diễn biến nặng cao hơn khi mắc cúm. Vì vậy, đây sẽ là nhóm đối tượng nên ưu tiên thực hiện chủng ngừa hơn.
Virus cúm được khuyến cáo tiêm hằng năm, nhất là ở đối tượng nguy cơ cao.
Do virus cúm có khả năng thay đổi kháng nguyên thường xuyên nên các nhà sản xuất phải căn cứ vào xu thế thay đổi kháng nguyên của virus cúm để sản xuất ra các lô virus phù hợp với mỗi mùa cúm hằng năm. Vì vậy virus cúm được khuyến cáo tiêm hằng năm, nhất là ở đối tượng nguy cơ cao.
Thông thường phải mất khoảng 2-3 tuần sau khi tiêm phòng cúm thì cơ thể mới có đủ lượng kháng thể cần thiết để bảo vệ chống lại virus cúm. Khả năng bảo vệ của vaccine cúm đạt mức cao nhất khoảng 2-3 tuần sau khi tiêm, có thể kéo dài từ 6 -12 tháng, vì vậy mỗi năm chỉ tiêm một lần là đủ.
Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền, phụ nữ có thai cần tiêm vaccine ngừa cúm. Một số trường hợp không nên tiêm vaccine cúm là người có tiền sử dị ứng với vaccine hoặc đang bị sốt cao.
BS Nguyễn Văn Bàng