Bệnh cúm khiến Từ Hy Viên qua đời nguy hiểm như thế nào?

Bệnh cúm khiến Từ Hy Viên qua đời nguy hiểm như thế nào?
8 giờ trướcBài gốc
Nhật Bản công bố ca mắc cúm cao kỷ lục và mức độ nguy hiểm
Vào những ngày cuối năm 2024, Nhật Bản ghi nhận số ca mắc cúm hàng tuần cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi chép số liệu vào năm 1999.
Cụ thể, Nhật Bản đã lập kỷ lục mới với 317.812 ca cúm hàng tuần trong thời gian từ ngày 23- 29/12/2024 theo số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, dựa trên báo cáo từ 5.000 cơ sở y tế được chỉ định trên cả nước. Đây là tổng số cao nhất kể từ khi phương pháp lưu giữ hồ sơ hiện tại được đưa ra vào tháng 4/1999.
Nhật Bản ghi nhận số ca mắc cúm cao kỷ lục trong thời gian qua. (Ảnh: Getty Images).
Sang đầu năm 2025, tình hình dịch cúm tại Nhật Bản tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó Bệnh viện Shizuoka đã phát hiện một số trường hợp nhập viện với các triệu chứng bệnh liên quan đến não hoặc viêm phổi sau khi mắc cúm, thậm chí đã có ca tử vong ở trẻ em.
Cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp, với các triệu chứng phổ biến bao gồm: sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Đối với người già và trẻ nhỏ, các triệu chứng có thể nặng và kéo dài, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Cúm Nhật Bản là một nhánh của cúm B, chỉ ảnh hưởng đến người và là một trong những loại virus cúm phổ biến nhất.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh cúm có thể lây lan dễ dàng, đặc biệt là ở những nơi đông đúc như trường học và viện dưỡng lão. Bệnh có thể lây lan qua các giọt bắn trong không khí khi người bị nhiễm bệnh ho và hắt hơi; hoặc chạm vào mũi, miệng sau khi tiếp xúc với bề mặt nhiễm bệnh.
Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, mặc dù tình trạng này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.
Cúm không phân biệt tuổi tác, giới tính, bất cứ ai cũng có nguy cơ nhiễm cúm mùa. Trẻ nhỏ, người cao tuổi, những người có bệnh lý nền… là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, dễ gặp biến chứng nguy hiểm và có mức độ lây truyền cao hơn cho người khác.
Từ Hy Viên bên chồng là DJ Koo và người thân trong tiệc mừng năm mới vào tối 31/12/2024. Ảnh: Instagram DJ Koo.
Các triệu chứng của bệnh cúm mùa thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về đường hô hấp khác. Để xác định chính xác nguy cơ mắc cúm và điều trị hiệu quả, người bệnh cần đến bệnh viện khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.
Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 1 đến 4 ngày. Mặc dù hầu hết người bệnh có thể phục hồi sau các triệu chứng cúm trong vòng 1 tuần mà không cần chăm sóc y tế, nhưng cúm có thể gây biến chứng nặng hoặc tử vong. Theo WHO, bệnh cúm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của các bệnh mãn tính khác. Trong những trường hợp nghiêm trọng, cúm có thể dẫn đến viêm phổi và nhiễm trùng huyết.
Hơn 1.400 trường học trên khắp Nhật Bản đã phải tạm thời đóng cửa và tạm dừng các lớp học. Các biện pháp này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm, vốn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em trong độ tuổi đi học. Bộ Giáo dục Nhật Bản báo cáo rằng Tokyo, Osaka và Nara là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ở các vùng nông thôn, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn do năng lực hạn chế của các bệnh viện địa phương trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Các thị trấn nhỏ báo cáo gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là do thiếu thuốc cơ bản.
Hiện, trung bình có khoảng 1 tỷ ca nhiễm cúm hằng năm, trong đó có từ 3 đến 5 triệu trường hợp diễn tiến nặng. Cúm mùa vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất thế giới, với gần 650.000 ca tử vong hằng năm.
Cách điều trị bệnh cúm mùa
Người nghi ngờ nhiễm cúm cần được cách ly y tế và đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Tiêm vaccine phòng cúm mùa hằng năm là phương pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất. (Ảnh: Asahi).
Đối với trường hợp bệnh nhẹ, không có biến chứng, người bệnh có thể không cần thực hiện xét nghiệm hoặc điều trị tại cơ sở y tế. Bệnh nhân có thể điều trị tại nhà với các biện pháp như: hạ sốt bằng thuốc Paracetamol khi sốt trên 38,5 độ; uống nhiều nước, đảm bảo cân bằng chất điện giải; đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
Tamiflu - thuốc kháng virus chứa thành phần hoạt chất chính là oseltamivir được sử dụng để điều trị cúm (Ảnh: Getty Images).
Đối với các trường hợp cúm có biến chứng, bệnh nhân cần được nhập viện điều trị và theo dõi. Các loại thuốc kháng virus như oseltamivir hoặc/và zanamivir thường được sử dụng trong trường hợp này. Ở bệnh nhân có suy hô hấp, hỗ trợ hô hấp bằng phương pháp thở oxy, CPAP hoặc thông khí nhân tạo. Sử dụng kháng sinh trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn.
Khi bệnh nhân hết sốt, hết các triệu chứng (trừ ho), tình trạng sức khỏe ổn định sau 48 giờ có thể xuất viện. Sau xuất viện vẫn nên cách ly y tế tại nhà cho đến hết 7 ngày, tính từ thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
Để phòng ngừa cúm hiệu quả, cần tập thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khi về đến nhà, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và nên bỏ thói quen hút thuốc lá.
Tiêm vaccine phòng cúm mùa hằng năm là phương pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất. Vaccine cúm có hiệu quả phòng bệnh lên đến 90%, giảm tỷ lệ tử vong và nguy cơ biến chứng, diễn tiến nặng khi đồng nhiễm cúm và các tác nhân gây bệnh khác.
Tùng Lâm (t/h)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/benh-cum-khien-tu-hy-vien-qua-doi-nguy-hiem-nhu-the-nao-204250206110401448.htm