Bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát: Khẩn trương ngăn bệnh lây lan ra diện rộng

Bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát: Khẩn trương ngăn bệnh lây lan ra diện rộng
4 giờ trướcBài gốc
Tại huyện Hữu Lũng, ổ bệnh DTLCP bắt đầu xuất hiện vào ngày 20/4 tại một hộ ở thôn Làng Trang (xã Thiện Tân) với tổng số lợn chết và buộc phải tiêu hủy là 40 con, trọng lượng là 1.199 kg.
Đến ngày 5/5/2025, tại huyện Hữu Lũng lại tiếp tục phát sinh thêm ổ bệnh DTLCP tại thôn Đồng Bé (xã Yên Bình). Số lợn ốm và buộc phải tiêu hủy là 10 con với trọng lượng là 370 kg. Tìm hiểu qua ông Hoàng Văn Lịch (thôn Đồng Bé, xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng) được biết, trước đó một thời gian, gia đình ông Lịch mua con giống về để tái đàn. Tuy nhiên, do con giống mang mầm bệnh nên sau một thời gian nuôi, lợn có biểu hiện ốm và qua test thì dương tính với vi rút DTLCP.
Ngoài 2 ổ bệnh DTLCP trên địa bàn huyện Hữu Lũng, từ 28/4 đến nay, tại xã Minh Hiệp (Lộc Bình) và xã Hồng Thái (Văn Lãng) cũng phát sinh 2 ổ bệnh DTLCP. Tại xã Hồng Thái (huyện Văn Lãng), trước đó, vào thời điểm cuối tháng 3/2025 cũng đã phát sinh ổ bệnh DTCLP, và nay lại tái phát trở lại.
Cán bộ thú y thực hiện phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại cho các hộ chăn nuôi lợn tại xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình
Mặc dù số ổ bệnh DTLCP tái phát thời điểm này mới chỉ có 4 ổ bệnh, nhưng theo đánh giá của phòng chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) thì quan ngại nhất chính là các ổ bệnh DTLCP đang tái phát theo đúng “quy luật” như những năm trước là tình hình bệnh DTLCP thường diễn biến phức tạp và số ổ bệnh mới phát sinh sẽ tăng vào thời điểm cuối tháng 5.
Theo chia sẻ của lãnh đạo phòng Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Sở NN&MT, thời điểm tháng 5 hằng năm, thời tiết bắt đầu nắng nóng, mưa nhiều - đây là điều kiện thuận lợi cho vi-rút DTLCP phát triển và lây bệnh cho đàn lợn. Cùng đó, đây cũng là thời điểm người chăn nuôi lợn mua con giống về tái và tăng đàn, nhưng quá trình mua con giống lại không được kiểm soát về nguồn giống, vì vậy mua phải những lợn giống mang mầm bệnh…, những điều này dẫn đến bệnh DTLCP càng dễ phát sinh và lây lan.
Như năm 2024, các ổ bệnh DTLCP cũng tái phát nhỏ lẻ tại một số xã trên địa bàn, nhưng chỉ sau một tháng, đến đầu tháng 6/2024, nhiều huyện đã phải công bố DTLCP, điều này khiến thiệt hại của người chăn nuôi lợn rất lớn. Từ thực tế đó cho thấy, các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở và các hộ chăn nuôi lợn nếu không khẩn trương thực hiện các biện pháp để khoanh vùng, khống chế các ổ bệnh DTLCP đã tái phát, cũng như thực hiện các biện pháp để phòng, chống bệnh DTLCP thì nguy cơ bệnh DTLCP lây lan ra diện rộng sẽ rất cao.
Chia sẻ vấn đề này, bà Nông Thị Huyền Trang, Phó Trưởng phòng NN&MT huyện Hữu Lũng cho biết: ngay sau khi phát hiện các ổ bệnh DTLCP, phòng và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với UBND xã, cán bộ thú y xã nơi phát sinh ổ bệnh tổ chức tiến hành tiêu hủy số lợn trên theo quy định. Đồng thời cấp phát cho hộ gia đình có ổ bệnh thuốc sát trùng và hướng dẫn phun khử trùng mỗi ngày 1 lần và phun liên tục trong 2 tuần. Ngoài ra, hướng dẫn chủ hộ chăn nuôi tự mua 100kg vôi bột về rắc xung quanh chuồng trại và cổng ra vào, cũng như mua thuốc để phun khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi. Hiện ổ bệnh DTLCP ở thôn Làng Trang, xã Thiện Tân đã được khống chế. Còn ổ bệnh tại thôn Đồng Bé, xã Yên Bình tiếp tục được cán bộ thú y cơ sở khoanh vùng, giám sát chặt chẽ.
Cán bộ thú y tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi cho lợn giống của hộ chăn nuôi tại xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn
Cũng giống như huyện Hữu Lũng, phòng chuyên môn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và chính quyền các xã của huyện Văn Lãng, Lộc Bình đang triển khai các biện pháp nhằm xử lý dứt điểm các ổ bệnh DTLCP đã phát sinh. Cùng đó, hỗ trợ người chăn nuôi khâu phun tiêu độc, khử trung khu chuồng trại chăn nuôi.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Hùng, Trưởng phòng Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y (Sở NN&MT) cho biết: thời điểm này, không chỉ các xã đã xuất hiện ổ bệnh DTLCP, kể cả các xã chưa xuất hiện ổ bệnh DTLCP cũng phải khẩn trương chỉ đạo các cán bộ thú y cơ sở tăng cường kiểm soát, nắm địa bàn, giám sát chặt đàn lợn của các hộ chăn nuôi trên địa bàn, nhất là ở những khu vực thời điểm trước đã có ổ bệnh. Cùng với đó, lực lượng thú y viên các phường, xã, thị trấn tiếp tục hỗ trợ các hộ chăn nuôi phun tiêu độc khử trùng khu chuồng trại chăn nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt hoạt động ra vào khu vực chuồng trại, thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng khu vực chung quanh chuồng trại, vật dụng chăn nuôi; Đặc biệt, cán bộ thú y cơ sở phải chủ động thực hiện lưu tâm giám sát công tác mua con giống tái đàn của các hộ chăn nuôi trên địa bàn phụ trách nhằm kiểm soát tốt nguồn con giống trước khi mang vào địa bàn.
Được biết, hiện Sở NN&MT đã chỉ đạo các phòng chuyên môn của sở chuẩn bị nguồn hóa chất để phân bổ cho các huyện, thành phố để cấp phát cho các hộ chăn nuôi lợn tiếp tục phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại. Đồng thời cử cán bộ phối hợp với phòng chuyên môn và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp các hộ chăn nuôi thực hiện đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, qua đó giảm thiểu tối đa nguy cơ đàn lợn nuôi lây nhiễm bệnh DTLCP. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tiêm vắc-xin DTLCP cho đàn lợn đang chăn nuôi, cũng như chủ động tiêm vắc-xin DTLCP cho lợn giống ngay khi mới mua về.
Hy vọng rằng, rút kinh nghiệm từ những đợt bùng phát bệnh DTLCP năm trước, cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp và các hộ chăn nuôi sẽ nhanh chóng khống chế được các ổ bệnh DTLCP, từ đó giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi lợn.
TRÍ DŨNG
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/benh-dich-ta-lon-chau-phi-tai-phat-khan-truong-ngan-benh-lay-lan-ra-dien-rong-5046877.html