Bệnh giao mùa và những điều cần biết

Bệnh giao mùa và những điều cần biết
14 giờ trướcBài gốc
Khi có biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời
- PV: Khi giao mùa, cơ thể thường mắc những bệnh nào, thưa BS?
BS CKII Huỳnh Hữu Dũng: Cúm mùa là bệnh có tỷ lệ mắc rất cao vào thời điểm giao mùa. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp khi giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra bên ngoài không khí do hắt hơi, ho, xì mũi,... Cúm mùa thường lành tính nhưng cũng có thể biến chứng nặng ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai.
Thời tiết hanh khô khiến hệ hô hấp, đặc biệt là phổi có thể bị ảnh hưởng. Người bị viêm phổi thường có các triệu chứng như nghẹt mũi, đau tức ngực, ho khan, ho có đờm, ho ra máu,... Nếu không điều trị sớm và đúng cách, người bệnh dễ gặp nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.
Bên cạnh đó, tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp ở trẻ em do sức đề kháng kém. Người mắc bệnh tiêu chảy cấp thường có các triệu chứng như nôn mửa, đi ngoài nhiều lần, mất nước. Các triệu chứng này có thể dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong nếu không kịp thời bổ sung nước cho cơ thể.
Viêm khớp cũng là bệnh thường gặp ở người cao tuổi khi thời tiết trở lạnh. Bệnh có nguyên nhân do các đầu mối xương khớp bị tổn thương dẫn đến các cơn đau nhức. Vì vậy, người bệnh viêm khớp cần một chế độ dinh dưỡng khoa học, giữ ấm cơ thể, nhất là bàn chân và bàn tay.
Người có tiền sử bệnh tim mạch nên chú ý hơn tới sức khỏe vào thời điểm này. Do thời tiết thay đổi khiến hệ tim mạch phải làm việc nhiều hơn dẫn đến quá tải, ảnh hưởng vùng tim, có thể gây suy tim. Ngoài ra, cần lưu ý bệnh sốt xuất huyết, viêm xoang, dị ứng da, đau mắt đỏ,... có thể xảy ra vào thời điểm giao mùa.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe
- PV: Thưa BS, đối tượng nào dễ mắc các bệnh giao mùa?
BS CKII Huỳnh Hữu Dũng: Bệnh giao mùa có thể gặp ở mọi đối tượng và lứa tuổi. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như trẻ nhỏ, người cao tuổi và phụ nữ có thai. Trẻ nhỏ do hệ miễn dịch còn non yếu, chưa hoàn thiện nên rất dễ bị các tác nhân bên ngoài tấn công vào thời điểm giao mùa.
Người cao tuổi thường có các bệnh nền mạn tính như huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch, suy gan, suy thận,... làm hệ miễn dịch suy yếu nên khi mắc thêm các bệnh giao mùa sẽ làm tăng nguy cơ khởi phát các bệnh có sẵn dẫn tới “bệnh chồng bệnh”, khiến việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều.
Phụ nữ mang thai sức đề kháng suy giảm nên có nguy cơ mắc bệnh cao. Khi mắc bệnh, phụ nữ mang thai thường ngại sử dụng thuốc vì sợ ảnh hưởng tới thai nhi khiến bệnh kéo dài và cơ thể mệt mỏi.
Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch để giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm
- PV: BS cho biết một số biện pháp phòng bệnh giao mùa.
BS CKII Huỳnh Hữu Dũng: Để phòng bệnh khi giao mùa cần có chế độ ăn uống cân bằng, nghỉ ngơi hợp lý và uống đủ nước. Thực hiện ăn chín uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm. Thực đơn hàng ngày nên bổ sung đa dạng thịt, cá, trứng, sữa, các loại trái cây, rau, củ,... để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Bên cạnh đó, cần giữ gìn vệ sinh, rửa tay thường xuyên, tránh chạm vào các bề mặt như tay nắm cửa, cầu thang,...; đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi công cộng; tập thể dục để tăng cường sức khỏe. Thời tiết chuyển mùa không chỉ thử thách sức đề kháng của cơ thể mà còn đòi hỏi trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay phòng, chống dịch bệnh.
Mỗi hành động nhỏ như tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, giữ vệ sinh môi trường đều có thể góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội. Ngoài ra, khi có biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
- PV: Xin cảm ơn BS!
Huỳnh Hương
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/benh-giao-mua-va-nhung-dieu-can-biet-a187059.html