Bệnh liên cầu khuẩn lợn bùng phát: Thói quen nguy hiểm và lỗ hổng trong kiểm soát

Bệnh liên cầu khuẩn lợn bùng phát: Thói quen nguy hiểm và lỗ hổng trong kiểm soát
8 giờ trướcBài gốc
Người dân còn chủ quan, bất chấp rủi ro
Theo thống kê từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước có khoảng 40 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus suis, trong đó TP.Huế là địa phương có số ca mắc cao nhất, lên đến 33 ca.
Tiết canh là mối đe dọa lớn gây ra bệnh liên cầu khuẩn lợn - Ảnh minh họa
Tháng 6 và 7 năm 2025, một loạt các bệnh viện tuyến cuối tại TP.Hà Nội, TP.Huế…, đặc biệt là tại TP.Huế ghi nhận sự gia tăng bất thường các ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, trong vòng 1 tháng trở lại đây (từ đầu tháng 6 đến nay) đã tiếp nhận đến 25 ca, cao gấp hơn 4 lần so với 5 tháng đầu năm , trong đó có 1 ca tử vong, nhiều trường hợp khác đang trong tình trạng nguy kịch.
Sự gia tăng đột biến của ca bệnh liên cầu khuẩn lợn tại Việt Nam không chỉ bởi vấn đề thời tiết thất thường, đặc biệt trong mùa hè – mưa ẩm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển trong môi trường tự nhiên, gia tăng tỷ lệ lợn mang mầm bệnh, mà còn phản ánh những lỗ hổng trong vệ sinh an toàn thực phẩm, thói quen tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, phần lớn người mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn trên đều có tiền sử tiếp xúc với thịt lợn sống, giết mổ lợn không an toàn, hoặc ăn thịt lợn tái, tiết canh. Không ít bệnh nhân nghĩ rằng chỉ đơn giản là ăn tiết canh, hoặc mổ lợn hộ người quen sẽ không có nguy cơ mắc bệnh. Thế nhưng, hậu quả là những ngày giành giật sự sống trong phòng hồi sức tích cực.
Việc ăn tiết canh lợn, thịt lợn tái hoặc nội tạng chưa được nấu chín vẫn phổ biến ở nhiều vùng nông thôn, thậm chí cả thành thị. Dù đã có nhiều khuyến cáo từ ngành y tế, nhưng với tâm lý chủ quan, nhiều người vẫn xem đây là "đặc sản" hoặc "thói quen lâu đời", bất chấp nguy cơ nhiễm bệnh.
Có không ít người dân chưa biết rằng liên cầu khuẩn lợn có thể gây tử vong, hoặc để lại di chứng nặng nề như: mất thính lực, động kinh, liệt nửa người. Do không có dấu hiệu đặc trưng ban đầu, bệnh dễ bị bỏ qua trong giai đoạn sớm, và chỉ được phát hiện khi đã nặng.
Nhiều lỗ hổng trong việc quản lý
Hiện nay hệ thống thú y và kiểm dịch vẫn còn nhiều lỗ hổng, khiến nguy cơ nhiễm bệnh từ lợn sang người cao.
Tại nhiều địa phương, việc giết mổ lợn diễn ra tự phát, không có sự kiểm dịch thú y, hoặc đảm bảo điều kiện vệ sinh. Những người giết mổ thủ công thường không dùng bảo hộ lao động, dễ bị vi khuẩn xâm nhập qua vết thương hở.
Theo Cục chăn nuôi và thú y (Bộ Nông nghiệp - Môi trường), tính đến năm 2024, cả nước có khoảng 28.000 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, chỉ hơn 800 cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát thú y (chiếm chưa đến 3%). Trên 90% là các cơ sở nhỏ lẻ, tự phát, không được kiểm soát nghiêm ngặt về thú y, vệ sinh môi trường.
Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày có hàng chục ngàn con lợn bị giết mổ trong điều kiện không đảm bảo, tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn như Streptococcus suis.
Riêng tại TP.HCM - địa phương tiêu thụ thịt lợn cao nhất nước, mỗi ngày khoảng 9.000-10.000 con lợn, nhưng chỉ có khoảng 20-30% được giết mổ tại các cơ sở tập trung có kiểm soát, phần còn lại đến từ lò mổ lén lút tại Long An, Đồng Nai (cũ), Bình Dương (cũ), nhiều trường hợp không có dấu kiểm dịch, không có bác sĩ thú y giám sát.
Ngay cả thời điểm cả TP.Huế đang đang "căng mình" chống bệnh liên cầu lợn thì ngày 9.7 vừa qua, lực lượng chức năng của địa phương này còn phát hiện lò mổ đang giết mổ lợn ngoài khung giờ quy định. Lực lượng chức năng đã phát hiện 4 con lợn có dấu hiệu nghi bị bệnh và đã phải tiến hành tiêu hủy.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế Công cộng (Đại học Y Dược TP.HCM) – nhấn mạnh liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người điển hình. Việc chống dịch không chỉ dựa vào bệnh viện, mà phải can thiệp từ khâu đầu vào, đó là kiểm dịch lợn, thói quen ăn uống, và giết mổ an toàn. Đây là vấn đề y tế cộng đồng, và cũng là văn hóa tiêu dùng cần thay đổi.
Vấn đề cốt lõi trong việc phòng ngừa bệnh liên cầu khuẩn lợn vẫn là nhận thức của người dân. Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn, biện pháp quan trọng nhất vẫn là người dân nói "không" với tiết canh, thịt tái, lòng chưa nấu chín; sử dụng găng tay khi giết mổ, sơ chế thịt lợn; rửa tay, dùng dụng cụ khác nhau cho thịt sống và thức ăn chín; kiểm soát chặt chẽ nguồn lợn bị bệnh, nâng cao chất lượng giám sát thu y.
Các địa phương cần có chiến lược truyền thông sâu rộng, tập trung thay đổi hành vi ăn uống và giết mổ an toàn; kêu gọi người dân từ bỏ thói quen ăn tiết canh lợn – nguồn lây chính. Sử dụng mạng xã hội, và các phương tiện truyền thông đại chúng để đưa thông điệp phòng bệnh đến nhóm nguy cơ cao.
Ngoài ra, các địa phương cần kiểm soát chặt hoạt động giết mổ gia súc, đặc biệt là lợn; xử phạt nghiêm các điểm giết mổ không phép, giết lợn bệnh, lợn chết.
Sự gia tăng của bệnh liên cầu khuẩn lợn hiện nay là hồi chuông báo động cho toàn xã hội. Đây không phải là dịch bệnh mới, cũng không lây từ người sang người, nhưng nó bùng phát mạnh, vì những thói quen nguy hiểm và hệ thống kiểm soát còn nhiều lỗ hổng. Muốn ngăn chặn bệnh, không chỉ cần bác sĩ giỏi, mà cần người dân tỉnh táo, ngành chức năng chủ động, và truyền thông hiệu quả. Thay đổi bắt đầu từ chiếc đũa đưa vào miệng mỗi người - một quyết định sáng suốt có thể cứu sống cả cuộc đời.
Hồ Quang
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/benh-lien-cau-khuan-lon-bung-phat-thoi-quen-nguy-hiem-va-lo-hong-trong-kiem-soat-234971.html