Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp
Bệnh viện Trung ương Huế vừa có báo cáo gửi Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Huế về tình hình điều trị bệnh nhân mắc liên cầu lợn. Theo số liệu thống kê, từ ngày 1/1 đến ngày 7/7/2025, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị tổng cộng 32 ca bệnh, tất cả đều là người dân sinh sống trên địa bàn TP Huế.
Đáng chú ý, chỉ riêng trong khoảng thời gian từ 3/6 đến 7/7/2025, số ca mắc đã tăng nhanh với 24 trường hợp nhập viện. Đây là con số được đánh giá là bất thường so với cùng kỳ các năm trước.
Lực lượng y tế thành phố Huế xử lý môi trường để phòng bệnh liên cầu lợn. (Ảnh: Dân Việt)
Trong tổng số 32 bệnh nhân, đã có 18 người xuất viện và 14 người đang tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, trong số những ca đã rời bệnh viện, có 4 trường hợp bệnh nặng, người nhà xin đưa về do tiên lượng xấu.
Bốn trường hợp được gia đình xin đưa về gồm:
Bà N.T.T.T (61 tuổi, trú phường Vỹ Dạ), xin về trong cùng ngày nhập viện.
Ông N.M.T (51 tuổi, trú phường An Cựu), xin về sau một ngày điều trị.
Bà Đ.T.N.H (51 tuổi, trú phường Phú Xuân), xin về sau gần một tháng nằm viện.
Ông B.V.C (50 tuổi, trú phường Thuận Hóa), xin về trong ngày đầu tiên nhập viện.
Thông tin từ bệnh viện cho biết, cả bốn trường hợp trên đều nhập viện trong tình trạng nặng, một số có biểu hiện nhiễm trùng huyết và tổn thương đa cơ quan. Việc gia đình xin đưa bệnh nhân về chủ yếu do bệnh chuyển biến xấu, khó can thiệp y tế hiệu quả, đồng thời có nguyện vọng chăm sóc tại nhà trong giai đoạn cuối.
Cảnh báo nguy cơ lây lan và khuyến cáo phòng bệnh
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế TP Huế đã có văn bản cảnh báo và khuyến cáo các tổ chức, ban ngành, đoàn thể cũng như toàn thể người dân chủ động phòng ngừa, đặc biệt trong bối cảnh mùa hè là thời điểm tiêu thụ thực phẩm tươi sống tăng cao.
Nhóm nguy cơ cao được xác định bao gồm: người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán thịt lợn tươi sống và người nội trợ thường xuyên tiếp xúc, chế biến sản phẩm từ lợn.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân bị liên cầu lợn. (Ảnh: Q. An/ Báo Lao Động)
Sở Y tế khuyến cáo người dân:
Chỉ nên mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch.
Tuyệt đối không tiêu thụ lợn mắc bệnh, lợn chết hoặc các sản phẩm chế biến từ lợn không đảm bảo vệ sinh.
Không ăn tiết canh, lòng lợn tái, thịt lợn chưa nấu chín kỹ.
Sử dụng đầy đủ phương tiện phòng hộ như găng tay, ủng, kính khi giết mổ hoặc chế biến thịt lợn tươi sống.
Đặc biệt, người có vết thương hở hoặc da bị tổn thương cần tránh tiếp xúc với lợn sống và thịt sống. Nếu buộc phải tiếp xúc, cần băng kín vết thương và rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi làm việc.
Ngoài ra, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ như sốt cao đột ngột, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi sau khi ăn thịt lợn chưa nấu kỹ hoặc có tiền sử tiếp xúc với lợn bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
NB (T/h)