Ăn uống hợp lý ngày Tết sẽ giúp bệnh nhân mạn tính bảo đảm sức khỏe. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy, đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, bệnh mạch vành hay thận mạn…, việc cân bằng dinh dưỡng trong ăn uống đóng vai trò rất quan trọng, giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, tránh những biến chứng có thể xảy ra.
Tuy nhiên, trong những ngày Tết, việc tham gia những bữa họp mặt, tiệc tùng với nhiều món ăn truyền thống hấp dẫn khiến cho người bệnh gặp “khó khăn” khi “cương quyết” duy trì chế độ ăn uống như thường ngày. Vậy làm sao để có thể cân bằng dinh dưỡng trong dịp Tết đến xuân về?
Cần chuẩn bị những món ăn phù hợp cho bệnh nhân mạn tính. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy
Với những bệnh nhân đã được bác sĩ khuyến cáo nên ăn nhạt, ngày Tết cần lưu ý các món dưa muối, hành muối… bởi chúng có hàm lượng muối cao, chỉ nên ăn tí chút. Việc này sẽ giúp người bệnh tim mạch, những bệnh lý mạn tính… không bị tăng cân quá mức.
Cần lưu ý trong nhân của bánh tét, bánh chưng thường có nhiều thịt mỡ. Người có bệnh mạn tính không ăn nhiều, không ăn liên tục vì sẽ ảnh hưởng đến vấn đề chuyển hóa mỡ, tăng huyết áp, tăng cân ngoài kiểm soát, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Với những bệnh nhân bị đái tháo đường, cần kiểm soát lượng tinh bột, vì tinh bột nhiều thì đường máu sẽ tăng cao. Nhóm thức ăn, đồ uống có độ ngọt cao cần được kiêng tuyệt đối. Ngoài ra, cần lưu ý giảm ăn đồ nếp, vì nếp chứa tinh bột đường nhiều hơn so với gạo, với cơm.
Với những món như giò, chả…, hàm lượng muối khá nhiều, nên chỉ ăn chừng mực. Nếu ăn món kho tàu, chỉ nên ăn phần thịt nạc. Trứng không nên ăn nhiều.
Cần chú ý khi chế biến, bảo quản thức ăn cho người bệnh mạn tính. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy
Cũng theo Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Ngân Tâm, điều quan trọng nhất với người mắc bệnh mạn tính trong những ngày Tết là đừng vui quá mà quên uống thuốc, bởi sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thậm chí có thể có những biến cố khó lường...
Để kiểm soát chế độ dinh dưỡng hiệu quả trong dịp Tết, người bệnh mạn tính nếu phải di chuyển nhiều, cần mang kèm theo trong túi những thực phẩm bổ sung phù hợp cho bệnh lý, như sữa dành cho người bệnh tim mạch, sữa, bánh cho bệnh nhân đái tháo đường hoặc thực phẩm nấu đem theo để trong hộp..., nhưng không nên để quá 2 tiếng trong nhiệt độ thường, tránh gây ngộ độc.
Người tiểu đường nên ăn nhiều rau, giúp ít bị rối loạn chuyển hóa trong những ngày Tết.
Thu Hoài