Bệnh nhân mạn tính được 'giải phóng' nhờ chính sách cấp thuốc dài ngày

Bệnh nhân mạn tính được 'giải phóng' nhờ chính sách cấp thuốc dài ngày
10 giờ trướcBài gốc
Trong thời kỳ dịch Covid-19, nhằm hạn chế tiếp xúc và đảm bảo việc điều trị liên tục cho người bệnh mạn tính, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phối hợp triển khai chính sách cấp thuốc điều trị ngoại trú theo chu kỳ dài hơn, từ 2 đến 3 tháng/lần. Chính sách này đã phát huy hiệu quả, đặc biệt đối với bệnh nhân mắc các bệnh cần điều trị lâu dài như tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan mạn tính…
Chính sách phát thuốc dài ngày giúp giảm số lần đi lại cho bệnh nhân, đặc biệt là đối với người già và bệnh nhân ở xa.
Sau đại dịch, BHXH Việt Nam đã nhiều lần đề xuất mở rộng mô hình cấp thuốc dài ngày như tại Xanh Pôn. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn hạn chế, chủ yếu do tâm lý lo ngại về an toàn điều trị khi kéo dài thời gian cấp thuốc.
Ngày 18/6/2024, Sở Y tế Hà Nội đã gửi công văn đề xuất thí điểm mô hình cấp thuốc 2 tháng/lần cho người bệnh mắc các bệnh mạn tính tại Bệnh viện Xanh Pôn. Phân tích dữ liệu trong giai đoạn dịch bệnh cho thấy chính sách này không những không ảnh hưởng đến kết quả điều trị, mà còn giảm đáng kể áp lực cho bệnh nhân và cơ sở y tế.
Theo khảo sát, người bệnh đều bày tỏ sự hài lòng với việc cấp thuốc dài ngày, vì nó giúp họ tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và tăng cường sự chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe cá nhân.
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã triển khai cấp thuốc 2 tháng/lần cho các bệnh nhân mạn tính ổn định từ tháng 11/2024. Tính đến nay, đã có khoảng 2.300 bệnh nhân đăng ký tham gia mô hình này và con số này vẫn đang tiếp tục tăng. Đáng chú ý, 97% bệnh nhân duy trì điều trị ổn định mà không cần tái khám sớm, chỉ có 3% bệnh nhân cần quay lại bệnh viện do tác dụng phụ hoặc triệu chứng bất thường.
Chính sách phát thuốc dài ngày giúp giảm số lần đi lại cho bệnh nhân, đặc biệt là đối với người già và bệnh nhân ở xa. Đồng thời, bệnh viện cũng giảm đáng kể áp lực vào các khung giờ cao điểm, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ và công tác chuyên môn.
Tại cuộc họp về công tác kê đơn điều trị ngoại trú cuối tháng 9/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã đồng ý về mặt chủ trương cho phép kê đơn thuốc kéo dài tối đa 90 ngày đối với bệnh mạn tính ổn định. Quyết định này sẽ được bác sỹ điều trị quyết định dựa trên tình trạng bệnh và khả năng đáp ứng thuốc của bệnh nhân.
Mặc dù mô hình cấp thuốc dài ngày nhận được sự đồng thuận từ phần lớn các chuyên gia và bệnh nhân, vẫn có một số ý kiến trái chiều.
Một số bác sỹ cho rằng việc cấp thuốc trong 30, 60 hay 90 ngày nên được quyết định tùy theo từng trường hợp cụ thể của bệnh nhân, không nên áp dụng một quy định cứng nhắc cho tất cả. Với những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền hoặc biến chứng nặng, việc tái khám thường xuyên là cần thiết để đảm bảo kiểm soát tốt tình trạng bệnh và phòng ngừa biến chứng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia như Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa và Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng việc kéo dài thời gian cấp thuốc sẽ giúp giảm tải cho bệnh viện, tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân và Quỹ Bảo hiểm y tế, miễn là việc điều trị được theo dõi và quản lý chặt chẽ.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/benh-nhan-man-tinh-duoc-giai-phong-nho-chinh-sach-cap-thuoc-dai-ngay-d284062.html