Một trường hợp 13 tuổi từng bị đột quỵ não. Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy
Bệnh nhi là H.M.Q, 13 tuổi, trú tại phường Uông Bí (Quảng Ninh), được người nhà đưa đến viện trong tình trạng liệt nửa người trái, cười méo miệng, nói khó.
Trước đó, bệnh nhi hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh lý nền. Tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, bác sĩ xác định bệnh nhi có hình ảnh nhồi máu não vùng bán cầu trái.
Theo BSCKII Vương Thị Hào - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, nhiều người thường nghĩ rằng, nhồi máu não chỉ xảy ra ở nhóm cao tuổi, cá nhân có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường... Tuy nhiên, hiện nay, bệnh lý mạch máu não đang có xu hướng trẻ hóa và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của trẻ.
Nguyên nhân nhồi máu não ở trẻ thường khác biệt so với người lớn và phức tạp hơn. Trong đó, trẻ có thể mắc các bệnh lý tim mạch do bẩm sinh, hoặc có tiền sử mắc bệnh như: Thông liên nhĩ, thông liên thất, bệnh van tim, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim.
Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ khi mắc các bệnh lý mạch máu như dị dạng mạch máu não, viêm mạch máu, bóc tách động mạch, bệnh lý mạch máu do di truyền. Một số trẻ có nguy cơ nhồi máu não khác gồm: Có các bệnh về rối loạn đông máu; Bệnh lý nhiễm trùng: Viêm màng não, viêm não; Bệnh lý chuyển hóa hoặc các chấn thương vùng đầu cổ gây tổn thương mạch máu…
Các chuyên gia y tế cho biết, việc chẩn đoán và can thiệp sớm là yếu tố then chốt quyết định sự hồi phục của trẻ. Thời gian chính là “vàng” trong xử trí nhồi máu não, đặc biệt trong giai đoạn cấp. Nhồi máu não ở trẻ em có thể diễn tiến nhanh và để lại nhiều di chứng nặng nề nếu không được can thiệp kịp thời.
Do đó, khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu thần kinh bất thường nào ở trẻ, đặc biệt là các triệu chứng khởi phát đột ngột liên quan đến vận động, ngôn ngữ hoặc ý thức, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Kim Dung