Bệnh nhi 22 tháng tuổi thủng ruột, sốc nhiễm khuẩn do nuốt phải hạt táo đỏ

Bệnh nhi 22 tháng tuổi thủng ruột, sốc nhiễm khuẩn do nuốt phải hạt táo đỏ
2 giờ trướcBài gốc
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi.
Theo đó, bệnh nhi V.T.T được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cấp cứu cuối tháng 10 vừa qua trong tình trạng sốc, li bì sốt cao 40 độ kèm theo nôn liên tục sau ăn từ 2 ngày trước đó, dịch nôn đen bẩn, trẻ mệt mỏi, lờ đờ, bụng chướng, không uống được thuốc…
Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy: trẻ bị phù nề thành ruột non, nhu động ruột giảm, quai ruột non giãn nhẹ, thành dày 4mm, có dịch vùng hố chậu và giữa các quai ruột. Trong lòng quai ruột non đoạn hồi tràng nghi có cấu trúc dị vật dài gần 28mm, có hình ảnh mức hơi nước khắp ổ bụng…
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn, xác định tình trạng trẻ sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, thủng ruột, viêm phúc mạc ổ bụng do dị vật gây ra. Bệnh nhi được hồi sức chống sốc và tiến hành chỉ định mổ cấp cứu. Quá trình phẫu thuật thấy khắp ổ bụng chứa đầy dịch mủ, kèm dịch thức ăn, tại phần ruột non cách góc hồi manh trang 30 cm có đầu nhọn của hạt táo đỏ xuyên qua, tổn thương thủng được khâu phục hồi, hút rửa làm sạch ổ bụng và đặt dẫn lưu.
Sau phẫu thuật, trẻ được chuyển đến khoa hồi sức tích cực chống sốc, nuôi dưỡng qua tĩnh mạch, thở máy, an thần, đến nay sức khỏe đã ổn định, bình phục tốt, được cai máy, tự ăn, tự chơi và vừa được xuất viện.
Các bác sĩ đề nghị cần bỏ hạt táo đỏ trước khi cho trẻ ăn uống.
Theo BSCKII. Trịnh Trương Tuyên - Trưởng khoa Ngoại - Chuyên khoa cho biết: táo đỏ khô là 1 vị thuốc đông y phổ biến xưa nay của người Việt, hơn 1 năm nay, trên thị trường xuất hiện thêm táo đỏ tươi có vị ngọt và bổ dưỡng, được nhân dân rất ưa chuộng sử dụng trực tiếp. Tuy nhiên, hạt của quả táo đỏ lại có đầu rất sắc nhọn, nếu nuốt phải khi qua đường tiêu hóa sẽ rất nguy hiểm vì dễ dàng làm thủng đường tiêu hóa, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Vì vậy, cần đặc biệt lưu ý với loại thực phẩm đang phổ biến này. Cần bỏ hạt trước khi cho trẻ ăn uống, để xa tầm với của trẻ nhỏ. Khi thấy trẻ có hiện tượng đau bụng âm ỉ kéo dài không giảm, hay bất cứ trường hợp đau bụng, nôn, sốt, mệt mỏi bất thường nào, nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế chuyên khoa tin cậy để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Song An
Nguồn BVPL : https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/y-te/benh-nhi-22-thang-tuoi-thung-ruot-soc-nhiem-khuan-do-nuot-phai-hat-tao-do-167624.html