Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính làm suy giảm trầm trọng chất lượng cuộc sống

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính làm suy giảm trầm trọng chất lượng cuộc sống
4 giờ trướcBài gốc
Thuốc lá - nguyên nhân chính dẫn đến COPD
Việc hút thuốc lá và thuốc lào càng nhiều và thời gian càng dài thì khả năng mắc COPD càng cao. Ngoài ra, một số trường hợp mắc COPD là do tiếp xúc lâu dài với khói bụi có hại hoặc là kết quả của một vài vấn đề di truyền hiếm gặp khiến phổi dễ bị tổn thương hơn.
Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Bắc Giang kiểm tra sức khỏe bệnh nhân đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
COPD là tình trạng phổi bị viêm, tổn thương và hẹp đường dẫn khí. Bệnh bao gồm các dạng: Tổn thương túi khí trong phổi (khí phế thũng) và viêm phế quản mạn tính. Các triệu chứng chính của COPD là: Khó thở, đặc biệt là khi người bệnh hoạt động; ho dai dẳng có đờm; thở khò khè liên tục. Nếu không điều trị, các triệu chứng của bệnh thường tiến triển nặng hơn. Có nhiều người không nhận ra mình bị bệnh cho đến khi gặp các vấn đề tồi tệ về sức khỏe. Vì vậy, người bệnh không nên bỏ qua các triệu chứng mà cần điều trị càng sớm càng tốt, trước khi phổi bị tổn thương đáng kể.
Người sử dụng thuốc lá khi mắc bệnh thường bị nặng hơn, hiệu quả điều trị bệnh vì thế cũng giảm".
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Minh Khương.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Minh Khương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Bắc Giang cho biết: Qua theo dõi bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện cho thấy trong khoảng 3 năm gần đây, mỗi năm Bệnh viện tiếp nhận, khám và điều trị cho khoảng 20 nghìn trường hợp, trong đó có hơn 9 nghìn người điều trị nội trú. Trong số bệnh nhân điều trị nội trú có khoảng 60% (tương đương hơn 5 nghìn bệnh nhân) ở độ tuổi trung và cao tuổi, đều có sử dụng thuốc lá và số đông trong đó hút thuốc lá lâu năm hoặc sống trong môi trường thường xuyên hít phải khỏi thuốc lá - hút thuốc thụ động). Bệnh nhân khám và điều trị các bệnh về đường hô hấp có xu hướng gia tăng thời gian gần đây. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, bệnh viện đã khám và điều trị cho 11,8 nghìn lượt, trong đó có 5,5 nghìn bệnh nhân điều trị nội trú.
Theo bác sĩ Thân Minh Khương, trong số 9 nghìn bệnh nhân điều trị nội trú mỗi năm tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang thì người mắc COPD chiếm khoảng 30% (gần 3 nghìn người) và khoảng 17-20% (gần 2 nghìn người) mắc các loại lao mà nhiều nhất là bệnh lao phổi. Bệnh nhân mắc COPD đến bệnh viện khám và điều trị thường đã ở trong tình trạng sức khỏe gặp vấn đề khá nghiêm trọng. Đáng buồn là nhiều người bệnh đã nhập viện vẫn không bỏ được thói quen hút thuốc.
Gánh nặng sức khỏe và kinh tế
Ông Nguyễn Tứ (SN 1949), trú tại thôn Phú Khê, xã Quế Nham (Tân Yên) là một bệnh nhân mắc COPD trong tình trạng nặng phải nhập viện điều trị dài ngày. Ông Tứ cho biết ông từng hút thuốc lá và cả thuốc lào liên tục trong 40 năm. Cách đây 5 năm (2019), khi thấy có một số dấu hiệu không tốt về sức khỏe và được vợ con khuyên ngăn, ông đã quyết tâm bỏ hút thuốc. Sau khi bỏ thuốc được 4 tháng, ông bị một đợt ho rất nặng, có lúc tưởng chừng như rách phổi, tức ngực và khó thở. Ông được người nhà đưa đến viện khám và được chẩn đoán mắc COPD mạn tính ở cuối giai đoạn 3, đầu giai đoạn 4.
Ở giai đoạn này, ông Tứ và nhiều bệnh nhân mắc COPD nói chung đã bị suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống rất nặng. Ông thường phải thở oxy những khi lên cơn cấp và hầu như không làm được bất cứ việc gì, kể cả việc nhẹ như quét nhà. Vợ ông - bà Hà Thị Tích (SN 1948) phải chăm sóc, hỗ trợ ông mọi sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Nếu như trong năm 2023, ông phải nhập viện điều trị 3 đợt thì riêng 6 tháng đầu năm nay ông đã phải vào viện khám và điều trị đến 4 lần.
Nằm ở giường bên cạnh là ông Ngô Văn Sáo (SN 1949) ở thôn Bùi Kép, xã Yên Lư (Yên Dũng). Ông Sáo cho biết ông cũng từng hút thuốc lào liên tục trong khoảng 40 năm, cao điểm nhất có giai đoạn ông hút đến 20-30 lần mỗi ngày. Ngay cả khi đã mắc COPD phải nhập viện điều trị thì đến năm 2018 ông mới bỏ được thói quen hút thuốc. 10 năm nay, năm nào ông cũng phải nhập viện, năm ít cũng 2-3 lần và tần suất nhập viện tăng dần lên, có năm phải điều trị 6 đợt trong bệnh viện. Gia đình phải sắm máy tạo oxy để sử dụng tại nhà mỗi khi ông lên cơn khó thở để tránh gặp nguy hiểm trước khi đến viện. Triệu trứng mà ông Sáo và ông Tứ cũng như các bệnh nhân COPD gặp phải là khó thở, nói bị ngắt quãng, người luôn trong tình trạng mệt nhọc; do cơ thể vận động khó khăn nên tay chân đều rất yếu, ngay cả mặc áo cũng cần có người thân giúp đỡ bởi không thể giơ cánh tay lên.
Chất lượng cuộc sống của những người mắc COPD suy giảm và quãng thời gian này thường kéo dài nhiều năm (đặc biệt là trong khoảng 2-5 năm trước khi qua đời). Đây cũng là gánh nặng bệnh tật và sức khỏe cho chính bản thân người bệnh và gia đình. Người mắc COPD đến giai đoạn nặng mặc dù hoàn toàn tỉnh táo song luôn phải có ít nhất 1 người thân đi kèm phục vụ trong thời gian nằm viện cũng như trong sinh hoạt tại gia đình hằng ngày; chi phí điều trị tốn kém. Đi lại, ăn no, nằm và trở mình thay đổi tư thế... người bệnh đều bị khó thở, nếu không có người giúp sức có thể nguy hiểm đến tính mạng do thiếu ôxy. Trong nhà người bệnh COPD thường trực máy tạo và thở ôxy để sử dụng.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang cho biết, vì không bỏ được thuốc lá nên có nhiều bệnh nhân mắc COPD nhập viện tới 7-8 lần trong 1 năm, mỗi đợt điều trị kéo dài 10-15 ngày, thậm chí lâu hơn; có bệnh nhân vừa về nhà được vài ngày đã phải trở lại viện cấp cứu vì khó thở. Trước đây, độ tuổi mắc thường từ 50-55 tuổi nhưng hiện nay Bộ Y tế khuyến cáo sàng lọc COPD cho người từ 45 tuổi trở lên bởi người bệnh có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi; cá biệt tại bệnh viện đã phát hiện và điều trị cho một số ca mắc COPD khi mới ngoài 30 tuổi.
“COPD là một bệnh có thể phòng ngừa được, có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc nếu tránh hút thuốc (thuốc lá, thuốc lào). Nếu người bệnh đang hút thuốc hãy ngừng hút để có thể ngăn ngừa tổn thương thêm cho phổi trước khi nó bắt đầu gặp các triệu chứng trầm trọng. Ngoài ra, người dân nên tiêm vắc-xin phòng cúm hằng năm và vắc-xin phòng bệnh phế cầu giúp giảm nguy mắc COPD hiệu quả. Cùng đó là duy trì chế độ làm việc, dinh dưỡng và tập luyện phù hợp để nâng cao thể trạng” - bác sĩ Thân Minh Khương khuyến cáo.
Lâm Dũng
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-lam-suy-giam-tram-trong-chat-luong-cuoc-song-110951.bbg