Bệnh sởi không còn 'lành tính'

Bệnh sởi không còn 'lành tính'
một ngày trướcBài gốc
Nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine phòng sởi bị biến chứng khi mắc bệnh
7 ca tử vong, hàng trăm ca biến chứng nặng
Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính tới đầu tháng 4/2025, cả nước ghi nhận gần 54.000 ca mắc sởi, trong đó có nhiều trường hợp bị biến chứng nặng và ít nhất 7 trường hợp đã tử vong. Trong đó, Hà Nội và TPHCM đều ghi nhận 2 trường hợp, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước mỗi tỉnh 1 ca.
2 trường hợp tử vong tại Hà Nội là một em bé gần 4 tuổi và một người lớn 51 tuổi, đều gặp những biến chứng nặng do virus sởi. Bé gái gần 4 tuổi chưa được tiêm vaccine sởi, biến chứng nặng sau gần một tuần khởi phát bệnh.
Bệnh nhân diễn biến nặng, được điều trị tích cực, tình trạng không cải thiện, tử vong với chẩn đoán Shock không hồi phục/suy đa tạng/viêm phổi ARDS-Bão cytokine/sởi.
Trường hợp người lớn tử vong do sởi ở Hà Nội do biến chứng phổi nặng, trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường. Bệnh nhân phải lọc máu và chạy tim phổi nhân tạo (ECMO) nhưng sau 2 tuần điều trị đã không qua khỏi.
TS.BS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2025, có hơn 1.700 ca mắc sởi nhập viện, cao gấp đôi số ca sởi của cả năm 2024. Ở thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 30-40 ca chẩn đoán sởi từ các tỉnh, thành miền Bắc chuyển đến.
Trung tâm Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện đang điều trị hơn 40 bệnh nhi mắc sởi nặng. Trong đó, có 10 bệnh nhân phải can thiệp thở máy xâm nhập, 3 bệnh nhân thở máy không xâm nhập và hơn 30 bệnh nhân phải hỗ trợ thở oxy.
Theo BSCKII Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, khoa đang điều trị cho hơn 40 bệnh nhi sởi. Trong đó, số bệnh nhi biến chứng nặng chiếm một phần ba, gồm biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết.
"Sởi không còn là bệnh lành tính như nhiều người vẫn nghĩ. 60%-70% các ca biến chứng nặng gây viêm phổi. Nguyên nhân là bởi sởi làm suy giảm miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị vi khuẩn, virus khác tấn công phổi. Biến chứng nguy hiểm nhất là viêm não, có thể xảy ra sau 1-2 tuần mắc sởi, gây co giật, mất ý thức, bại liệt hoặc tử vong.
Tỷ lệ biến chứng này tuy thấp (1/1.000-1/5.000) nhưng tỷ lệ tử vong cao. Ngoài ra, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, loét giác mạc là những biến chứng phổ biến khác, làm kéo dài thời gian điều trị và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của trẻ".
Ảnh minh họa
Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất
Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), thông tin, Việt Nam đang bước vào chu kỳ bùng phát dịch sởi 5 năm một lần (2 lần bùng phát trước là năm 2014 và năm 2019). Do đó, công tác phòng, chống dịch sởi đang được chỉ đạo sát sao để giảm những ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phân tích thống kê cho thấy, nhóm trẻ từ 9 tháng đến dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ mắc cao nhất, với 73%. Trẻ dưới 6 tháng tuổi và từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, nhóm chưa đến tuổi tiêm chủng, lần lượt chiếm 5% và 10%.
Tuy nhiên, ông Đức lo ngại sự chủ quan của người dân trong việc tiêm chủng và điều trị sởi. "Việc chần chừ tiêm chủng đang khiến nhiều trẻ em và cả người lớn phải trả giá bằng chính sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Số liệu ghi nhận, 91% tổng số ca mắc chưa được tiêm vaccine, 5% không rõ tiền sử tiêm chủng và chỉ 4% đã được tiêm. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số bệnh nhi mắc sởi, có 14% bệnh nhi là trẻ dưới 6 tháng tuổi, có hơn 50% trẻ trên 9 tháng tuổi chưa tiêm hoặc tiêm không đầy đủ vaccine sởi.
Số liệu này cho thấy sự chủ quan của người lớn trước sự nguy hiểm của biến chứng sởi. Nhiều cha mẹ lầm tưởng rằng nếu trẻ đã mắc sởi thì không cần tiêm, hoặc nghĩ sởi là bệnh nhẹ nên không tiêm. Vaccine không chỉ giúp phòng bệnh mà còn ngăn ngừa biến chứng và bảo vệ cả cộng đồng", Cục trưởng Hoàng Minh Đức cho biết.
Trong bối cảnh miễn dịch cộng đồng giảm và tỷ lệ tiêm chủng dưới 90% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nguồn cung vaccine gián đoạn từ những năm trước, từ cuối năm 2024, Bộ Y tế cho phép mở rộng độ tuổi tiêm phòng sởi từ 6 tháng tuổi.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM, tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để chặn đứng chuỗi lây nhiễm của virus sởi.
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 2 với mục tiêu bao phủ trên 95%, triển khai tại 54 tỉnh, thành phố. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, cần quản lý chặt chẽ và có con số minh bạch, chính xác của từng địa phương trong việc tiêm vaccine sởi.
"Đáng lo ngại nhất vẫn là các trường hợp chưa được thống kê đầy đủ, hầu hết là những đối tượng thuộc diện di dân, các gia đình từ tỉnh ngoài đến cư trú tại thành phố lớn. Do đó, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ cùng ngành Y tế, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong phòng, chống bệnh sởi, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để bảo đảm bao phủ tiêm chủng vaccine, kiểm soát dịch hiệu quả thay vì quản lý con số trên sổ sách", PGS.TS Trần Đắc Phu đề xuất.
Hoàng Nguyên
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/benh-soi-khong-con-lanh-tinh-2025041813541296.htm