Theo các bác sĩ, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm hay gặp ở trẻ nhỏ, lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (bắt tay, ôm, hôn), tiếp xúc với đồ chơi, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, bề mặt có chứa virus. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt ở môi trường tập thể như mẫu giáo, trường học. Bệnh lưu hành quanh năm và thường tăng vào tháng từ 4-6 và tháng 9-10 hàng năm.
Trên thực tế, thời gian gần đây, số ca mắc tay chân miệng có xu hướng gia tăng. Thông tin tại Hội thảo "Phát triển và ứng dụng vaccine EV71: Tăng cường đáp ứng y tế công cộng với bệnh tay chân miệng" do Viện Pasteur TP.HCM tổ chức ngày 22/5 cho thấy, theo thống kê từ hệ thống giám sát dịch bệnh của Bộ Y tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã ghi nhận hơn 15.000 ca tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng. Ảnh minh họa.
Riêng TP.HCM ghi nhận 6.711 ca tay chân miệng. Đáng chú ý, có tới 93% là trẻ từ 1 - 5 tuổi, đây là nhóm tuổi dễ bị tổn thương nhất do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP.HCM, tuần từ 12 – 18/5, TP.HCM ghi nhận 916 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 40,1% so với trung bình 4 tuần trước.
Tại Hà Nội, theo CDC Hà Nội, trong tuần từ ngày 9 - 16/5, Hà Nội ghi nhận 254 ca mắc tay chân miệng tại 28 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn từ đầu năm, toàn thành phố ghi nhận 2.277 ca tay chân miệng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024 (1.247 ca).
Trong tuần, CDC Hà Nội ghi nhận thêm 5 ổ dịch mới tại Nam Từ Liêm, Hà Đông, Chương Mỹ và Đông Anh, nâng tổng số ổ dịch từ đầu năm lên 40, trong đó 6 ổ vẫn đang hoạt động.
Ai dễ mắc bệnh tay chân miệng?
Các bác sĩ cho biết, bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Tất cả những người chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt bị nhiễm virus do người bệnh chạm vào, nhưng không phải ai bị nhiễm virus cũng có biểu hiện của bệnh.
Trẻ em có nguy cơ lây nhiễm virus và mắc bệnh cao hơn vì các em có khả năng đề kháng và miễn dịch yếu hơn người lớn. Hầu hết người lớn được miễn dịch nhưng những trường hợp thanh thiếu niên và người trưởng thành bị nhiễm virus cũng không phải là hiếm.
Điều đáng lưu ý, bệnh tay chân miệng có thể tái phát nhiều lần nếu trẻ tiếp xúc với người bị tay chân miệng. Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng lần thứ 2, lần thứ 3, thậm chí lần thứ 4 hoặc nhiều hơn.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng
Theo TS.BS Đặng Thị Thúy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng là loét miệng. Các vết loét thường ở vòm khẩu cái, niêm mạc má, miệng, lưỡi khiến trẻ đau, khó nuốt, ăn uống kém, quấy khóc khi ăn.
Bên cạnh đó, ban phỏng nước nổi gồ trên da, sờ vào chắc, thường xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Trẻ có thể sốt nhẹ và sốt cao, nếu trẻ sốt cao khó hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng
Hầu hết trẻ bị tay chân miệng hồi phục dần sau 7-10 ngày, giống như các sốt virus khác nhưng cũng có một tỷ lệ gặp các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.
Để phòng ngừa chân bệnh tay chân miệng cho trẻ, các chuyên gia khuyến cáo, cần thực hiện rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày.
Bên cạnh đó, hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Ngoài ra, trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
Việt Nam thử nghiệm thành công vaccine tay chân miệng
Theo Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM Nguyễn Vũ Trung, hàng năm trên cả nước có hàng chục đến hàng trăm ngàn trẻ mắc tay chân miệng, có nhiều trường hợp gây biến chứng nặng nè, thậm chí tử vong. Từ trước đến nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là giữ gìn vệ sinh. Do đó, nhu cầu nghiên cứu vaccine phòng bệnh hết sức quan trọng và cấp thiết.
Những năm qua, Viện Pasteur TP.HCM đã phối hợp tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine EV71 phòng bệnh tay chân miệng do chủng virus EV71 gây ra.
Qua thử nghiệm lâm sàng tại các cơ sở y tế tại Việt Nam, kết quả cho thấy, vaccine phòng bệnh tay chân miệng do virus EV71, phù hợp cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi và đạt hiệu quả hơn 99%.
Vaccine giúp cơ thể tạo ra lượng kháng thể cao chỉ sau 1 tháng tiêm. Dù sau 6 tháng có giảm nhẹ, nhưng đến tháng thứ 12, lượng kháng thể lại tăng trở lại cho thấy vaccine có khả năng bảo vệ lâu dài.
Các phản ứng sau tiêm như đau tại chỗ tiêm hay sốt nhẹ đều ở mức nhẹ và tương tự như khi tiêm các loại vaccine thông thường và không ghi nhận phản ứng nghiêm trọng nào được ghi nhận trong nhóm tiêm.
N.Mai