Cách đây 76 năm, ngày 15-11-1948, Báo Sự thật số 102 đăng bài viết “Bệnh tự kiêu, tự ái” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Bác nhấn mạnh: Tự kiêu là hẹp hòi, tự kiêu là thoái bộ, tự kiêu là mù quáng và tự kiêu là hủ hóa!
Tự kiêu là một căn bệnh, một thói xấu mà mỗi cán bộ, đảng viên phải hết sức tránh. Vậy nhưng thực tế, không hiếm cán bộ, đảng viên vẫn mắc phải căn bệnh này và từ đó sinh ra ảo tưởng, không nhận thức đúng năng lực bản thân, tự cho mình là tài giỏi, hơn người. Nhận diện về bệnh tự kiêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ đó là những người “cho mình việc gì cũng thạo, cũng làm được…, là thần thánh, không cần học ai, hỏi ai”, “chỉ thấy những việc mình tưởng mình làm được, những điều mình tưởng mình biết hết mà không thấy những điều mình không biết, những việc mình chưa làm được”…
Tự kiêu kéo theo vô số thói hư, tật xấu. Đầu tiên có thể kể đến là sự nhỏ nhen, hẹp hòi, không thẳng thắn tự phê bình và cũng không chấp nhận sự phê bình của người khác; khi bị phê bình thì sinh ra hậm hực, cay cú, thậm chí là ghi thù đối với người đã phê bình mình. Cùng với đó, cũng vì tự kiêu mà trở nên tự mãn, không chịu cố gắng, không chịu học hỏi thêm, dần dần bị thụt lùi, không theo kịp sự vận động của xã hội, không đáp ứng nhiệm vụ được giao. Tự kiêu thường đi với bệnh bè phái, ai hợp mình, khéo nịnh mình thì ưa thích; ngược lại, với những người dám thẳng thắn phê bình, vạch ra cái sai, cái chưa tốt, chưa hoàn thiện của bản thân thì lại khó chịu, xa cách, thậm chí là trù dập, dìm hãm! Một cán bộ bình thường mắc bệnh tự kiêu đã nguy hiểm, một cán bộ lãnh đạo, nắm quyền lực mà mắc phải bệnh tự kiêu thì càng nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Tự kiêu không chỉ gây hại cho một cá nhân mắc bệnh mà còn kéo lùi sự phát triển của tập thể, thậm chí trở thành mầm mống gây mất đoàn kết nội bộ. Như cảnh báo của Bác: “Đã tự kiêu, tự ái thì không thể đoàn kết. Không đoàn kết tức là cô độc. Đã cô độc thì chẳng việc gì thành công”. Khổng Tử cũng từng răn dạy: “Nếu có tính tự kiêu, thì dù tài giỏi vô cùng như ông Chu Công, thì tài giỏi ấy cũng vất đi”.
Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tự kiêu được xác định là một trong những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị. Theo đó, Đảng mô tả rõ đó là sự “duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác”. Thậm chí, từ tự kiêu, chỉ với một bước rất nhỏ có thể chuyển hóa thành “ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình” - những biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống.
Đối lập với tự kiêu là khiêm tốn - một phẩm chất đạo đức quan trọng mà mỗi cán bộ, đảng viên phải có được. Ngày 9-5-2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Trong đó, Đảng ta tiếp tục yêu cầu cán bộ, đảng viên phải khiêm tốn, cầu thị, giản dị; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác.
Những năm qua, Đảng ta đã triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh tự kiêu. Tuy nhiên, vì chưa thấm nhuần tính Đảng, vì quá tự mãn về thành tựu của bản thân, vì thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân mà không ít cán bộ, đảng viên vẫn mắc phải căn bệnh này. Cùng với đó, những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là nguyên nhân làm bệnh tự kiêu nảy nở. Cá biệt, có một số trường hợp thăng tiến “thần tốc”, chưa kịp tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, chưa đủ thời gian trau dồi, rèn luyện trong thực tế nhưng lại “chín nhanh”, “chín ép”, được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo một cách dễ dàng đã dẫn đến sự ngộ nhận về năng lực bản thân. Ngoài ra, việc tự phê bình và phê bình chưa được thực hiện nghiêm, thiếu thực chất, dù biết đồng chí của mình có khuyết điểm nhưng nể nang không nói hoặc cố tình lợi dụng việc phê bình để nịnh nọt, tâng bốc nhau cũng là lý do không nhỏ khiến căn bệnh tự kiêu có chỗ tồn tại.
Thời gian tới, nhiệm vụ mà Đảng ta phải thực hiện là hết sức nặng nề. Đặc biệt, trong điều kiện đất nước đang chuyển mình, bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mỗi cán bộ, đảng viên phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, tiến bộ hơn nữa để đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc lãnh đạo đất nước. Muốn vậy, việc đấu tranh, loại trừ bệnh tự kiêu là điều không thể xem nhẹ. Để chiến thắng bệnh tự kiêu, trước nhất, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn thấm nhuần tính Đảng, không ngừng rèn luyện tư cách đạo đức của người đảng viên, thực hiện nghiêm việc tự phê bình, sẵn sàng đối diện với các ý kiến phê bình của người khác và thành tâm nhìn nhận, sửa chữa khuyết điểm cũng như ra sức học hỏi nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Về góc độ tập thể, việc thực hành đoàn kết, thẳng thắn phê bình đồng chí, đồng nghiệp trên tinh thần xây dựng, luôn yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh để cùng nhau tiến bộ sẽ là “liều thuốc” đặc trị phòng, chống bệnh tự kiêu.
Anh Tú