Ngày 24/4, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) tổ chức Hội thảo khoa học “Vô sinh – Hiếm muộn và bệnh lý nam khoa trong lực lượng CAND: Thực trạng và hướng điều trị”.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Y tế, Ban Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, Bệnh viện 30-4, Bệnh viện, Bệnh xá Công an các đơn vị địa phương khu vực phía Bắc; cùng các báo cáo viên là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vô sinh, hiếm muộn, bệnh tan máu bẩm sinh.
Phát biểu tại hội thảo, Đại tá, PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vô sinh là vấn đề sức khỏe toàn cầu ảnh hưởng đến khoảng 17,5% người trong độ tuổi sinh đẻ trên toàn cầu và 16,5% ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Đại tá, PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền phát biểu tại hội thảo.
Tại Việt Nam, vô sinh, hiếm muộn là vấn đề phức tạp và đang có xu hướng gia tăng, nguyên nhân do yếu tố môi trường sống (ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước…), áp lực cuộc sống hiện đại, áp lực về kinh tế, công việc, tuổi kết hôn và sinh con muộn, khoảng cách giữa các lần sinh xa, lối sống và hành vi tình dục không lành mạnh.
“Trong lực lượng CAND, với tính chất công việc, nhiều hoạt động đặc thù, công tác ở địa bàn khó khăn, lao động trong môi trường nặng nhọc, tiếp xúc với các hóa chất độc hại, chất phóng xạ cũng như tia phóng xạ như cán bộ ra-đa các nhà máy sản xuất, kho cất giữ vũ khí, các bệnh viện. Do làm việc dài ngày trong môi trường, thiết tiết khắc nghiệt đã gây ra ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe chung và sức khỏe sinh sản nói riêng”, PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
“Bệnh viện mời các chuyên gia hàng đầu về vô sinh, hiếm muộn đến chia sẻ kiến thức, định hướng tương lai thành lập Trung tâm hỗ trợ sinh sản và Y học giới tính, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho cán bộ chiến sĩ. Để các cặp vợ chồng có con khỏe mạnh sẽ mang lại giá trị tinh thần và là động lực giúp các chiến sĩ lập nhiều thành tích, giúp y tế các tuyến có sự quan tâm thích đáng trong điều trị vô sinh, hiếm muộn”, Giám đốc Bệnh viện 19-8 nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt Đức, Chủ tịch Hội Y học Giới tính Việt Nam cho biết, tỷ lệ vô sinh tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 10% các cặp vợ chồng, trong đó nguyên nhân do nam giới đơn thuần chiếm khoảng 30%, kết hợp với yếu tố từ phía nữ là khoảng 20% – nâng tổng tỷ lệ vô sinh có yếu tố nam giới lên đến 50%. Đây là con số đáng báo động.
PGS.TS Nguyễn Quang chia sẻ kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị vô sinh nam.
Đặc biệt trong lực lượng CAND, nguy cơ vô sinh có xu hướng gia tăng do đặc thù nghề nghiệp. Nhiều cán bộ, chiến sĩ thường xuyên làm việc căng thẳng, thức đêm, tiếp xúc môi trường độc hại như sóng cao tần, hóa chất… ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản.
Tuy nhiên, khám sức khỏe định kỳ hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào bệnh lý toàn thân, chưa chú trọng đúng mức đến khám sức khỏe sinh sản nam. Đây là khoảng trống cần được lấp đầy và nên đề xuất đưa khám sức khỏe nam khoa vào chương trình khám sức khỏe chung. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để cán bộ, chiến sĩ chú ý chăm sóc sức khỏe sinh sản. “Bệnh viện trong lực lượng CAND cần có đơn vị chăm sóc sức khỏe sinh sản tuyến cuối cho cán bộ, chiến sĩ, để họ không phải đi chữa vô sinh, hiếm muộn ở nơi khác, mà chữa ngay trong bệnh viện của lực lượng mình”, PGS.TS Nguyễn Quang nói.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều bệnh viện, bệnh xá trong các đơn vị Công an.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Quản Hoàng Lâm, nguyên Giám đốc Viện Mô phôi Lâm sàng Quân đội, báo cáo viên tại Hội thảo mong rằng trong thời gian tới, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an quan tâm đến ngành Y tế CAND, đặc biệt nên phát triển một Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Y học giới tính, để đảm bảo nhiệm vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ nói riêng và nhân dân nói chung.
Thiếu tá Nguyễn Trần Thành, Phó trưởng Khoa Tiết niệu Nam học, Bệnh viện 19-8 cho biết, điều trị vô sinh, hiếm muộn là cả một quá trình, mất nhiều thời gian, công sức. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ gặp vấn đề sức khỏe sinh sản nhưng không được thăm khám và điều trị kịp thời do đặc thù công tác. Những bệnh viện chuyên khoa thường rất đông, trong khi cán bộ, chiến sĩ thường xuyên phải làm nhiệm vụ, khó khăn trong việc sắp xếp thăm khám.
"Theo khảo sát của bệnh viện có tới hơn 50% chiến sĩ mong muốn bệnh viện của Bộ Công an có trung tâm hỗ trợ sinh sản để đáp ứng nhu cầu điều trị cho cán bộ và người dân. Vì thế, Bệnh viện 19-8 đang xây dựng Đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ sinh sản và Y học giới tính để cán bộ chiến sĩ thuận lợi trong việc thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe", Thiếu tá Thành chia sẻ.
BS Nguyễn Trần Thành đang khám, tư vấn cho bệnh nhân.
Hiện nay, điều trị vô sinh, hiếm muộn chưa được BHYT chi trả, đây cũng là khó khăn và rào cản lớn đối với nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Theo PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, Bệnh viện 19-8 đang xúc tiến đầu tư phương tiện, máy móc xét nghiệm để điều trị vô sinh, hiếm muộn. Với cán bộ chiến sĩ, gói điều trị vô sinh hiếm muộn sẽ tính toán hỗ trợ, có thể giảm chi phí mà chỉ tính hóa chất vật tư, giá phải chi trả sẽ thấp hơn rất nhiều so với làm ở bệnh viện khác. Cán bộ chiến sĩ Công an được hưởng chính sách ưu đãi tốt nhất.
Giám đốc Bệnh viện 19-8 Hoàng Thanh Tuyền tặng hoa các báo cáo viên.
Tại Hội thảo, các địa biểu đã được được nghe nhiều báo cáo khoa học đến từ các chuyên gia hàng đầu. Các kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ đã và sẽ giúp các bác sĩ đang công tác trong các bệnh viện, bệnh xá của lực lượng CAND cập nhật thêm nhiều kiến thức chuyên môn, kỹ thuật mới trong thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ và người dân.
Trần Hằng