Chiều 1/11, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức công bố triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, bắt đầu áp dụng từ 1/1/2024.
Tham dự có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác đề án 06 Chính phủ; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội; ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; cùng đại diện nhiều ban, ngành chức năng.
Để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, triển khai bệnh viện không giấy tờ, từ ngày 1/11, Bệnh viện Bạch Mai chính thức triển khai hệ thống bệnh án điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh.
Các đại biểu bấm nút đánh dấu thời điểm Bệnh viện Bạch Mai chính thức áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Đây là bước tiến đột phá trong việc hiện đại hóa quy trình chăm sóc sức khỏe, quản lý hồ sơ y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và cải thiện trải nghiệm của người bệnh".
Bệnh viện Bạch Mai hiện có 57 đơn vị với quy mô 3.600 giường bệnh và hơn 4.000 cán bộ và nhân viên y tế đang phục vụ công tác. Hàng ngày, bệnh viện tiếp nhận 7.000 - 10.000 người bệnh đến khám ngoại trú và khoảng 4000 bệnh nhân điều trị nội trú. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định chỉ đạo, phê duyệt các nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2024 - 2025 và định hướng 2030.
Bắt đầu giữa tháng 7, Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành triển khai thí điểm bệnh án điện tử tại 6 đơn vị. Ngày 11/10, bệnh viện đã tiến hành triển khai bệnh án điện tử trên phạm vi tất cả các đơn vị. Ngày 25/10, bệnh viện tiến hành thẩm định thành công bệnh án điện tử mức đạt cơ bản. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục hoàn thiện bệnh án điện tử ở mức chuyên sâu và nâng cao.
Việc chuyển đổi sang bệnh án điện tử giúp tất cả thông tin về tình trạng sức khỏe, lịch sử bệnh lý và quá trình điều trị của bệnh nhân sẽ được lưu trữ và quản lý trực tuyến. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho bác sĩ và nhân viên y tế truy cập thông tin nhanh chóng, giảm thiểu sai sót trong quá trình chẩn đoán và điều trị.
Lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo Bộ Công an chụp ảnh cùng các đại biểu.
“Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên của Bộ Y tế, cũng là đơn vị được đưa vào đề án 06 của chính phủ triển khai chuyển đổi số toàn diện trọng điểm trong lĩnh vực y tế”, PGS Đào Xuân Cơ thông tin.
Việc triển khai hệ thống bệnh án điện tử tại Bệnh viện Bạch Mai không chỉ là bước đi quan trọng trong việc chuyển đổi số trong ngành y tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.
"Để đạt được thành công bước đầu trong thời gian vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai đã luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao và quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công an và các bộ, ngành, bên cạnh sự hỗ trợ và đồng hành của nhiều đơn vị đối tác", Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ Y tế luôn coi chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, ưu tiên nguồn lực, quyết liệt chỉ đạo triển khai.
Bộ trưởng nhìn nhận, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe đã có bước phát triển, người dân, người bệnh đã được hưởng lợi từ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có việc khám, chữa bệnh.
Bài toán chuyển đổi số của bệnh viện là bài toán khó, phức tạp, không phải chỉ có kinh phí là làm được. Việc áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử là bước tiến lớn trong chuyển đổi số của Bệnh viện Bạch Mai.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Bệnh viện Bạch Mai phải là đơn vị dẫn đầu, hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở y tế khác trong toàn ngành về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin như vai trò của bệnh viện trong công tác chuyên môn y tế.
Theo PGS TS Đào Xuân Cơ, triển khai bệnh án điện tử có 5 lợi ích thiết thực như: Người bệnh có thể đăng ký lịch khám qua điện thoại hoặc ứng dụng di động, giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi tại bệnh viện; thông tin của người bệnh sẽ được lưu trữ và quản lý một cách đồng bộ, giúp bác sĩ dễ dàng truy cập và theo dõi lịch sử khám chữa bệnh; không cần in giấy tờ và phim chụp sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho cả bệnh viện và người bệnh ( dự có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách y tế);
Hệ thống sẽ cho phép liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế, giảm thiểu việc làm lại các xét nghiệm không cần thiết; nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giảm thiểu thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.
Trần Hằng