Bác sĩ Khoa Can thiệp tim mạch kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sáng 17-5. Ảnh: Hạnh Dung
Theo đó, tối 19-4, ông H.Đ.K. (46 tuổi, ngụ phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) thấy chóng mặt, chân bước đi không nổi. Tưởng chỉ mệt mỏi thông thường nên ông K. không đến bệnh viện ngay mà về nhà nghỉ ngơi. Đến sáng hôm sau, sức khỏe ngày càng suy yếu, gia đình đưa ông K. đi cấp cứu.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp có choáng tim, tỷ lệ tử vong trên 90%. Bệnh nhân được can thiệp động mạch vành để tái thông dòng máu. Nhưng do cơ tim bị tổn thương rất nặng chưa thể hồi phục ngay nên không co bóp và tưới đủ máu cho các cơ quan khác trong cơ thể. Bệnh nhân lâm vào tình trạng suy đa cơ quan (tổn thương gan, thận, não).
Để cứu sống bệnh nhân, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã thực hiện thành công kỹ thuật đặt máy ECMO cho bệnh nhân. 10 ngày sau đó, bệnh nhân hồi tỉnh. Đến nay, bệnh nhân đã có thể đi lại, ăn uống được, tiếp xúc tốt và tiếp tục được chăm sóc, điều trị tại Khoa Can thiệp tim mạch.
Bác sĩ Hữu Phước cho biết, ECMO giúp thay thế chức năng của tim và phổi trong trường hợp bệnh nhân bị tổn thương tim và phổi nghiêm trọng, không đảm bảo việc tưới máu đến các cơ quan trong cơ thể. Qua đó, giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn sinh tử trong thời gian chờ các tạng khác trong cơ thể hồi phục.
“Việc thực hiện thành công kỹ thuật ECMO có ý nghĩa rất quan trọng, giúp nâng cao năng lực điều trị không chỉ cho chuyên ngành hồi sức cấp cứu mà còn là mũi nhọn giúp nâng cao năng lực các chuyên khoa khác. Từ đó nâng cao tiên lượng sống cho các bệnh nhân bị tổn thương tim, phổi, tổn thương đa cơ quan. Đồng thời, đây cũng là tiền đề để bệnh viện thực hiện các kỹ thuật thu nhận tạng từ người chết não và triển khai ghép thận trong thời gian tới” - bác sĩ Hữu Phước chia sẻ.
Hạnh Dung