Thông tin trên được BSCK2 Ngô Văn Tuôi, Phó Giám đốc Bệnh viện Cù Lao Minh (Bến Tre) chia sẻ tại buổi làm việc với Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) về hoạt động xây dựng cơ sở y tế xanh, bền vững, ngày 19-11.
Hệ thống xử lý nước nhiễm mặn đầu tiên tại khu vực miền Tây Nam Bộ
Theo BS Tuôi, bệnh viện này là bệnh viện hạng tuyến tỉnh, đặt tại huyện Mỏ Cày Nam, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 1.200 - 1.400 bệnh nhân đến khám, điều trị ngoại trú; 400 bệnh nhân điều trị nội trú. Với mục tiêu tạo ra môi trường làm việc và sinh hoạt an toàn, thoải mái cho bệnh nhân và đội ngũ nhân viên y tế, bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp như trồng cây xanh, tạo các bãi cỏ và lắp đặt cây xanh ở hành lang, các phòng làm việc.
Mỗi ngày, Bệnh viện Cù Lao Minh tiếp nhận khám và điều trị khoảng 1.200 - 1.400 bệnh nhân ngoại trú.
"Điều này không chỉ tạo ra không gian thư giãn mà còn giúp nâng cao chất lượng môi trường bệnh viện, từ đó cải thiện sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân và nhân viên" - BS Tuôi chia sẻ.
Bên cạnh đó, bệnh viện đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện chất lượng vệ sinh, nhất là các nhà vệ sinh. Các khu vệ sinh được bảo trì sạch sẽ, đặc biệt là khu vực dành cho người khuyết tật, nhằm đảm bảo tính tiện nghi và sự an toàn cho tất cả người sử dụng.
BS Tuôi cho biết năm 2016, nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài gây ra nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Để giải quyết vấn đề này, bệnh viện đã triển khai hệ thống lọc nước mặn thành nước sạch cho các hoạt động y tế với sự hỗ trợ từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nguồn nước này đã được ứng dụng hiệu quả vào các hoạt động quan trọng như: Chăm sóc trẻ sơ sinh; nước cho phòng mổ; rửa và hấp sấy dụng cụ y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối; khoa dinh dưỡng tiết chế dùng nấu ăn cho bệnh nhân với nước sạch, không chứa muối mặn.
"Trước khi có hệ thống lọc nước, bệnh viện phải sử dụng nước bình để tắm cho trẻ sơ sinh trong những đợt nước mặn xâm nhập mạnh. Việc sử dụng nước bình tốn kém chi phí rất lớn. Tuy nhiên, khi hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt đi vào hoạt động, bệnh viện không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn bảo vệ sức khỏe người bệnh, đặc biệt là trẻ sơ sinh, vì nước mặn có thể gây tổn hại đến làn da nhạy cảm của trẻ" - BS Tuôi dẫn chứng.
Hệ thống lọc nước lợ thành nước ngọt tại bệnh viện hoạt động tự động, giúp cung cấp đủ nước sạch cho các khu vực quan trọng trong bệnh viện mà không cần vận hành liên tục. Hệ thống cũng đã được tối ưu hóa để giảm thiểu lượng nước thải, và chi phí vận hành hiện nay chủ yếu là chi phí điện năng.
Bác sĩ Phan Thị Lý, Trưởng Phòng Quản lý Môi trường Y tế, Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế), nhận định rằng mô hình của Bệnh viện Cù Lao Minh là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận trong bối cảnh bệnh viện tuyến tỉnh còn nhiều khó khăn.
"Đây là bệnh viện đầu tiên tại khu vực miền Tây Nam Bộ thí điểm hệ thống xử lý nước mặn thành nước sạch cho các hoạt động y tế. Mô hình này, được thực hiện tại bệnh viện thành công thời gian qua có thể trở thành điểm sáng có thể nhân rộng đến các cơ sở y tế khác tại khu vực. Đặc biệt, những nơi bị xâm nhập mặn vào mùa khô. Bởi đây không chỉ giải quyết tình trạng thiếu nước mà còn tiết kiệm chi phí, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu" - BS Lý nói.
Tin, ảnh: Hải Yến